In bài viết

TPHCM: Ghi nhận hơn 13.550 ca COVID-19; triển khai kế hoạch tiêm 1,1 triệu liều vaccine

(Chinhphu.vn) – Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC) cho biết, tính từ 18 giờ ngày 11/7 đến 6 giờ ngày 12/7, Thành phố ghi nhận thêm 544 trường hợp nhiễm mới đã được Bộ Y tế công bố vào sáng ngày 12/7 (BN29904-BN30447). Trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, Thành phố đã có hơn 13.500 trường hợp mắc COVID-19.

12/07/2021 10:26

Trong 544 trường hợp nhiễm mới được công bố gồm 369 trường hợp là các tiếp xúc đã được truy vết, được cách ly hoặc ở trong khu vực phong tỏa, 175 trường hợp đang điều tra dịch tễ. Thành phố đang hoàn tất hồ sơ chi tiết của các trường hợp này.

Thành phố thực hiện đánh giá các vùng dịch tễ, phân vùng nguy cơ để lên phương án tổ chức lấy mẫu xét nghiệm đúng trọng tâm, trọng điểm, quyết định khu vực nào cần phong tỏa hay xét nghiệm tầm soát diện rộng.

Đồng thời, thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm hàng ngày tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; tăng số lượng các doanh nghiệp vừa sản xuất vừa cách ly; dừng hoạt động các cơ sở sản xuất kinh doanh không đảm bảo an toàn phòng chống dịch.

Thành phố quyết tâm tận dụng hiệu quả nhất “thời gian vàng” 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát dịch bệnh, truy vết và tách F0 ra khỏi cộng đồng, mục tiêu ưu tiên cao nhất là bảo vệ tính mạng của nhân dân.

Để làm được điều này, Thành phố cần sự đồng lòng, chung sức của người dân trong việc tuân thủ thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết và không để các thế lực thù địch lợi dụng xuyên tạc gây ảnh hưởng đến hoạt động và thành quả chống dịch.

Lên kế hoạch tiêm 1,1 triệu liều vaccine

Chiều ngày 11/7, Sở Y tế đã tổ chức cuộc họp trực tuyến với các cơ sở y tế về dự kiến triển khai kế hoạch chiến dịch tiêm chủng đợt 5 vaccine phòng COVID-19 với số lượng ban đầu dự kiến là 1,1 triệu liều vaccine tiến hành trong 2-3 tuần.

Trong thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, Thành phố sẽ tận dụng thời gian “vàng” để tiến hành triển khai hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 song song cùng với hoạt động xét nghiệm tầm soát và điều tra truy vết trong Phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Trong tháng 7, theo dự kiến ban đầu Thành phố sẽ nhận được 1.000.000 liều vaccine từ nguồn tài trợ của Hoa Kỳ theo cơ chế COVAX và 100.000 liều Astra Zeneca từ nguồn tài trợ của Chính phủ Nhật Bản. Tổng cộng sẽ có khoảng 1.100.000 liều vaccine phòng COVID-19 dành cho Thành phố.

Theo kế hoạch thì trong đợt tiêm chủng này, người được tiêm ưu tiên trong đợt này sẽ là người dễ bị tổn thương và nằm trong các vị trí nguy cơ rất cao và nguy cơ cao trên địa bàn quận huyện, ngoài ra còn các nhóm theo nghị quyết 21. Dự kiến hoạt động tiêm chủng sẽ được diễn ra trong thời gian từ 2-3 tuần. 

Thành phố dự kiến sẽ lập điểm tiêm chủng tại 312 trạm y tế quận huyện và mỗi quận huyện sẽ tổ chức thêm 1 địa điểm tiêm chủng khác. Thành phố dự kiến tổ chức 630 điểm tiêm chủng, dự kiến tiêm cho 120 người/1 điểm tiêm/1 ngày.

Để đảm bảo giãn cách, thời gian tiêm chủng sẽ diễn ra trong các khung giờ 8h- 13h và 15h – 20h hàng ngày trong suốt thời gian triển khai.

Thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, chính quyền Thành phố cùng với các ban ngành sẽ nỗ lực triển khai đồng bộ các biện pháp trong phòng chống dịch COVID-19 để đưa Thành phố vượt qua trận chiến này.

Triển khai sử dụng “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế”

Chiều 11/7, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh cùng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố và Viettel đã có buổi họp trực tuyến nhằm thống nhất phương án triển khai sử dụng “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” tại Thành phố Thủ Đức và các quận, huyện, phường, xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố.

Phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế” sẽ giúp Thành phố Hồ Chí Minh quản lý toàn bộ các trường hợp cách ly tại nhà, đảm bảo giám sát thực hiện cách ly theo đúng quy định của Bộ Y tế, thống kê báo cáo kịp thời, chủ động trong phòng chống khi có dịch bệnh.

Hệ thống phần mềm quản lý cách ly sẽ được triển khai trên hạ tầng hiện tại của trang web tokhaiyte.vn và ứng dụng di động Vietnam Health Decleration (VHD).

Các trường hợp được cách ly tại nhà sẽ khai báo số điện thoại, nhận diện khuôn mặt và được kích hoạt vị trí cách ly bằng điện thoại thông minh của mình. Dự kiến mỗi ngày, người cách ly sẽ khai báo y tế 3 lần và khai báo ngay nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như sốt, ho, khó thở...

Qua đó, nhân viên y tế trực tiếp theo dõi những trường hợp cách ly sẽ kiểm tra được việc tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của người cách ly cũng như sức khỏe của họ.

Hiện tại, các sở ban ngành đang cùng thống nhất lại các nội dung và kỹ thuật cần triển khai để hoàn thành phần mềm “Hệ thống nền tảng quản lý cách ly y tế”.

Dự kiến phần mềm sẽ được chính thức vận hành vào ngày 17/7/2021 trên toàn địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh./.