Sáng 2/6, Thành phố Hồ Chí Minh đã ghi nhận 23 trường hợp nghi nhiễm mới trong đó có 7 trường hợp tại quận Gò Vấp, 1 trường hợp tại quận Bình Tân, 1 trường hợp tại TP Thủ Đức, 2 trường hợp tại Tân Bình, 1 trường hợp tại Quận 8, 3 trường hợp tại quận 12, 6 trường hợp tại quận Bình Thạnh, 1 trường hợp tại Bình Chánh và 1 trường hợp mới nhận kết quả từ phòng xét nghiệm đang xác minh thông tin.
Qua xác minh ban đầu trong 23 trường hợp này thì có 17 trường hợp được xét nghiệm theo diện F1, có 1 trường hợp là tiếp xúc vòng 3 liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng, 5 trường còn lại đang được xác minh nguồn tiếp xúc.
Theo CDC TPHCM, tính đến sáng ngày hôm nay đã có 497 ca dương tính với SARS-CoV-2 phát hiện tại thành phố Hồ Chí Minh được Bộ Y tế công bố, trong đó 267 ca điều trị khỏi; 230 ca đang điều trị.
Thành phố Hồ Chí Minh đã khẩn trương điều tra, truy vết, khoanh vùng các trường hợp nhiễm mới. Thực hiện điều tra truy vết, khoanh vùng, phong tỏa tạm thời các địa điểm liên quan đến các ca nghi nhiễm mới.
Từ ngày 26/5, thành phố ghi nhận 219 trường hợp nhiễm mới có liên quan đến chuỗi lây nhiễm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Kết quả điều tra, truy vết từ 27/5 đến hết ngày 1/6, đã lấy đã lấy tổng cộng 277.841 mẫu xét nghiệm, trong đó 3.770 tiếp xúc gần, 274.071 trường hợp được lấy mẫu giám sát.
Trong 3.770 mẫu tiếp xúc gần đã có 219 mẫu có kết quả dương tính, 2.718 mẫu âm tính, còn lại đang chờ xét nghiệm. 227.071 mẫu xét nghiệm giám sát đã có kết quả: 93.913 có kết quả âm tính, 180.158 đang chờ kết quả.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng tổ chức khai báo y tế cho người về từ các địa phương, khu vực có ca bệnh, bị giãn cách, theo dõi y tế. Cập nhật tình hình giám sát, chỉ định cách ly người về từ vùng dịch trên website hcdc.vn.
Đồng thời, thực hiện giám sát người sau cách ly về cư trú tại Thành phố. Giám sát bệnh nhân sau xuất viện theo quy định, hiện số bệnh nhân đang trong thời gian giám sát là 22 người. Tăng cường giám sát hoạt động tại các khu cách ly tập trung. Tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động phòng chống dịch tại các doanh nghiệp, khu chế xuất/khu công nghiệp.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng triển khai lấy mẫu xét nghiệm theo quy định đối với thành viên các tổ bay của các chuyến bay quốc tế có lưu trú tại Thành phố; xét nghiệm đối với bệnh nhân COVID-19 sau xuất viện, người cách ly tập trung, người sau cách ly về cư trú tại thành phố.
Lấy mẫu giám sát định kỳ nhân viên làm tại sân bay, nhân viên làm việc tại cảng hàng hải, nhân viên y tế, bệnh nhân, thân nhân bệnh nhân. Mở rộng xét nghiệm cho người lao động làm việc tại các Khi chế xuất/Khu công nghiệp.
Tổng số người hiện đang thực hiện cách ly trên địa bàn thành phố là 15.348 người trong đó 5.554 người đang cách ly tập trung, 9.794 trường hợp đang cách ly tại nhà/nơi lưu trú.
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.Hồ Chí Minh (HCDC) khuyến cáo người dân: Không hoang mang, thực hiện theo các khuyến cáo phòng dịch của Ngành Y tế. Trung thực trong khai báo y tế khi đi khám bệnh.
Hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân
Ngày 2/6, Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, đã hỗ trợ cho hơn 1.000 công nhân, người lao động đang bị cách ly tại các doanh nghiệp trong khu chế xuất, khu công nghiệp và tại các điểm, khu vực bị cách ly tại cộng đồng.
Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố, việc chi hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, nhà máy, xí nghiệp (có quan hệ lao động) bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 được thực hiện theo quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (Quyết định 2606/QĐ của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Trong đó, tập trung hỗ trợ cho những trường hợp người lao động có hoàn cảnh khó khăn như: người lao động có thu nhập dưới 5 triệu đồng/tháng; nữ mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi; bản thân người lao động hoặc có con mắc bệnh hiểm nghèo, đang nằm viện hoặc bị tai nạn lao động trong thời gian cách ly; người lao động chính phải nuôi con, chăm sóc cha mẹ không có thu nhập.
Đối với các trường hợp là người lao động phải ngừng việc do thu hẹp sản xuất, phong tỏa, cách ly hoặc nghỉ việc, mất việc làm không đủ điều kiện hưởng bảo hiểm thất nghiệp; người lao động tạm hoãn hợp đồng từ 1 tháng trở lên hoặc có cha, mẹ, vợ, chồng, con cùng có quyết định áp dụng biện pháp cách ly y tế tại nhà hay một người là F0, F1… cũng thuộc diện được hỗ trợ.
Tính đến thời điểm hiện tại, Công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp thành phố hỗ trợ khẩn cấp hơn 770 công nhân tại Công ty Cổ phần Thiết bị nhà bếp VINA thuộc Khu công nghiệp Tân Bình đang bị cách ly do ảnh hưởng của dịch COVID-19; Liên đoàn Lao động quận Tân Phú hỗ trợ 250 trường hợp công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn tại 10 điểm cách ly; Liên đoàn Lao động hỗ trợ gần 100 trường hợp bị cách ly tại phường 15, quận Gò Vấp…
Cùng với Liên đoàn Lao động thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố đang phối hợp với các sở, ngành và các quận, huyện khảo sát các doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, cho người lao động nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên, hay chấm dứt hợp đồng lao động; các doanh nghiệp du lịch, giao thông vận tải, doanh nghiệp vừa và nhỏ đang gặp khó khăn do tác động của dịch COVID-19 để có biện pháp hỗ trợ.
Sở cũng tiến hành thống kê số lao động tự do, buôn bán nhỏ, giáo viên công lập, tư thục... gặp khó khăn; đồng thời xây dựng phương án hỗ trợ đối với những trường hợp người lao động phải ngừng việc từ 1 tháng trở lên đề nghị thành phố có chính sách hỗ trợ…./.