Theo thông tin từ Thành ủy TPHCM, Sở Công Thương TPHCM vừa có báo cáo tổng kết, đánh giá hiệu quả Nghị quyết số 16/2018/NQ-HĐND ngày 8/10/2018 của HĐND TPHCM ban hành quy định về kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của TPHCM giai đoạn 2018 - 2020.
Theo đó, UBND Thành phố đã phê duyệt 15 dự án của 14 doanh nghiệp tham gia Chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ với tổng mức đầu tư là 1.176,078 tỷ đồng. Trong đó, số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay là 617,241 tỷ đồng; bình quân số vốn đầu tư một dự án là 78,405 tỷ đồng, bình quân số vốn vay được ngân sách hỗ trợ lãi vay mỗi dự án là 41,149 tỷ đồng.
Với mức lãi suất bình quân là 8% và thời gian hỗ trợ tối đa là 7 năm, ngân sách Thành phố sẽ bỏ ra 216,034 tỷ đồng tiền hỗ trợ lãi vay để thu hút được 1.176,078 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển sản xuất của các doanh nghiệp Thành phố. Như vậy, bình quân 1 đồng ngân sách bỏ ra sẽ thu hút được khoảng 5,44 đồng từ nguồn lực xã hội.
Theo Sở Công Thương, Chương trình kích cầu đầu tư của Thành phố thông qua hình thức hỗ trợ lãi vay cho các dự án đầu tư từ vốn ngân sách Thành phố đã thu hút, huy động và khơi được các nguồn lực đầu tư trong xã hội, đặc biệt là từ khu vực kinh tế tư nhân đẩy mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực Thành phố khuyến khích phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X "Phát triển nhanh 9 ngành dịch vụ có hàm lượng tri thức, giá trị gia tăng cao, 4 ngành công nghiệp trọng yếu, các ngành công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ và nông nghiệp đô thị".
Các doanh nghiệp tham gia chương trình được ngân sách Thành phố hỗ trợ một phần lãi vay, từ đó chủ động phát triển quy trình sản xuất, đầu tư nghiên cứu cải tiến công nghệ, cải tiến chất lượng, nâng cao thu nhập, tiến hành đầu tư và trả nợ gốc, lãi đúng hạn, mạnh dạn đầu tư đổi mới máy móc thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng yêu cầu khắt khe của các đối tác trong và ngoài nước.
Chương trình đã từng bước phát huy hiệu quả, tuy số lượng doanh nghiệp tiếp cận và tham gia Chương trình còn hạn chế nhưng trong số các dự án được phê duyệt từ chương trình, một số doanh nghiệp đã tham gia được vào chuỗi cung ứng của các công ty, tập đoàn FDI lớn như Samsung, Huyndai, Toyota, Piaggo…
Với mục đích hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, khuyến khích đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghiệp cũng như tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển đầu tư đổi mới công nghệ trên địa bàn Thành phố, việc tiếp tục triển khai Chương trình kích cầu đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Thành phố là hết sức cần thiết.
NT