Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong quý I/2023, tình hình kinh tế-xã hội Thành phố đạt một số kết quả.
Theo đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 4,7% (cùng kỳ giảm 4,8%); giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp tăng 2,12%. Doanh thu du lịch tăng 77,2% so với cùng kỳ, khách du lịch quốc tế đạt 1,045 triệu lượt, tăng 100% so với cùng kỳ; khối lượng vận tải hành khách công cộng tăng 48,6%.
Thành phố thu hút FDI được khoảng 497,5 triệu USD, tăng 22,4% so với cùng kỳ. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,7%. Tổng thu ngân sách Nhà nước thực hiện ước đạt 124.796 tỷ đồng, đạt 26,6% dự toán năm.
Công tác chăm sóc sức khỏe và y tế, giáo dục, an sinh xã hội được quan tâm triển khai. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật trên địa bàn Thành phố được tổ chức sôi nổi, đa dạng. Hoạt động đối ngoại có hiệu quả với các cuộc gặp gỡ, tiếp đón quốc tế. Công tác bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.
Cũng theo UBND TPHCM, cộng đồng doanh nghiệp tại đây nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ, nhất là các hỗ trợ về tài khóa, tín dụng, giảm lãi suất vay và tăng đầu tư công. Các doanh nghiệp thuộc một số ngành đã có sự phát triển mạnh, kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng, thu hút đầu tư nước ngoài từ doanh nghiệp FDI có nhiều triển vọng.
Tuy nhiên, thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu nhiều ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp trên địa bàn tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm mạnh.
Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ của Chính phủ chưa phát huy hiệu quả mạnh mẽ, tỉ lệ thụ hưởng các gói hỗ trợ về vốn chỉ dưới 10%. Dòng tiền thiếu hụt, chưa hấp thụ vào hoạt động sản xuất kinh doanh; tài sản thế chấp không đủ đảm bảo các khoản vay nợ mới, doanh nghiệp nói chung dự báo tiếp tục khó khăn.
Một số lượng lớn doanh nghiệp khó khăn với nhiều nguyên nhân khác nhau như: Thị trường bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu nguồn nhân lực phù hợp, thiếu vốn kinh doanh, thiếu mặt bằng sản xuất, kinh doanh, lý do khác,....
Trước tình hình trên, Thành phố xác định hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về mọi mặt cho doanh nghiệp hoạt động ổn định, phát triển là một trong những giải pháp căn cơ nhất và cần triển khai ngay để vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Theo đó, TPHCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước giảm mặt bằng lãi suất gắn với tiết giảm chi phí hoạt động của ngành; tiếp tục bố trí vốn tín dụng cho xuất khẩu, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; chỉ đạo tháo gỡ khó khăn trong quy trình hoàn thuế để doanh nghiệp có thêm nguồn vốn đưa vào sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, cho phép đánh giá giá trị tài sản thế chấp theo giá thị trường, tăng tỉ lệ đảm bảo của tài sản thế chấp, cho phép thế chấp tài sản đất thuê hằng năm, thí điểm cho vay tín chấp và tăng giá trị thế chấp bằng đất nông nghiệp.
Cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, thời gian được cơ cấu là 24 tháng đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, bất động sản (đối với dự án gắn với sản xuất, kinh doanh, thương mại và dịch vụ).
Về pháp lý và thị trường bất động sản, Thành phố kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo nghiên cứu có giải pháp cụ thể để tháo gỡ các khó khăn của các dự án bất động sản đang gặp phải bởi các quy định pháp luật từ các ngành, lĩnh vực có liên quan (đầu tư, xây dựng, quy hoạch…).
Song song đó, triển khai các giải pháp thúc đẩy phát triển minh bạch, lành mạnh thị trường bất động sản, nhất là về nguồn vốn, pháp lý và các thủ tục hành chính.
Ngoài ra, TPHCM cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan tăng cường các hoạt động để xúc tiến đầu tư và xúc tiến du lịch.
Anh Thơ