Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: TPHCM tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, khó khăn về vốn... để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường. Ảnh: VGP/Mạnh Hùng |
GDP trên địa bàn tăng 8,9% so cùng kỳ (cùng kỳ tăng 8,7%). Trong đó, khu vực sản xuất công nghiệp và xây dựng có mức tăng 6,9% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 40% trong GDP của Thành phố; khu vực dịch vụ có mức tăng 10,3%, chiếm tỷ trọng 59,1%; khu vực nông nghiệp tăng 5,9%, chiếm tỷ trọng 0,9%.
Tại phiên họp thường kỳ của UBND TPHCM về tình hình kinh tế-xã hội 9 tháng đầu năm 2014 tổ chức ngày 27/9, ông Trần Anh Tuấn Phó, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM nhận định, kinh tế của Thành phố nhiều khả năng đạt tốc độ tăng trưởng từ 9,5% đến 10% trong năm 2014.
Cũng theo ông Tuấn, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên địa bàn ước tăng 6,1% so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 3,3%) cho thấy xu hướng mở rộng đầu tư sản xuất của các doanh nghiệp trên địa bàn. TPHCM là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước nên điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư vào triển vọng kinh tế của Thành phố nói riêng và của cả nước nói chung.
Còn theo Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Đào Thị Hương Lan, với sự phục hồi rõ nét của kinh tế TPHCM thời gian qua nên thu ngân sách của Thành phố đạt khá so với dự toán và tăng cao hơn so cùng kỳ năm trước, đặc biệt thu từ khu vực kinh tế có mức tăng lên đến 18,74% so cùng kỳ.
Đánh giá về kinh tế TPHCM trong 9 tháng qua, Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho rằng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, những nỗ lực của lãnh đạo Thành phố và quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, tăng trưởng kinh tế của TPHCM đạt kết quả hết sức tích cực, cao hơn mức tăng cùng kỳ 2 năm trước.
Theo ông Quân, để kinh tế Thành phố tiếp tục giữ được mức tăng trưởng tích cực này, từ nay đến cuối năm, nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu vẫn là tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh. Do đó, các sở, ngành, nhất là thuế, hải quan, công thương, ngân hàng, đất đai, xây dựng... phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc về thủ tục hành chính, khó khăn về vốn... để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh, mở rộng thị trường.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài theo đúng định hướng, đặc biệt tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động để tăng hiệu quả của đầu tư nước ngoài vào sự phát triển Thành phố.
Một số kết quả kinh tế 9 tháng đầu năm đáng chú ý của TPHCM: GDP ước đạt 593.552 tỷ đồng, tăng 8,9% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ ước đạt 476.140,2 tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Thu ngân sách ước đạt 189.317 tỷ đồng, bằng 83,66% dự toán, tăng 15,66% so cùng kỳ. Kim ngạch xuất khẩu ước đạt 23,836 tỷ USD, tăng 3,50% (cùng kỳ tăng 0,68). Thu hút mới 292 dự án FDI với số đạt 1,23 tỷ USD; 88 dự án điều chỉnh tăng vốn 218 triệu USD; tính chung tổng vốn FDI đạt 1,45 tỷ USD, tăng 6,9% so cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội ước thực hiện 131.286 tỷ đồng. Thành lập mới 16.981 doanh nghiệp, tổng vốn 92.726 tỷ đồng; 29.785 doanh nghiệp tăng vốn 94.072 tỷ đồng; 17.149 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, khóa mã số thuế; 1.927 doanh nghiệp đã hoàn tất thủ tục giải thể; 4.206 doanh nghiệp tái hoạt động. |