Theo phản ánh của Công ty TNHH Thành Bưởi, ngày 3/11/2016, Công ty có buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải TP. Hồ Chí Minh về việc Sở đặt biển cấm ô tô khách trên 25 chỗ ngồi lưu thông trên đường Lê Hồng Phong (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Lý Thái Tổ), Trần Nhân Tôn (đoạn từ đường Ngô Gia Tự đến đường Hùng Vương) và đường Vĩnh Viễn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Ngô Gia Tự) trong khoảng thời gian 6-22h kể từ ngày 29/10/2016.
Để bảo đảm ý kiến của Công ty được lắng nghe và hồi đáp một cách chính xác, Công ty TNHH Thành Bưởi đề nghị cơ quan chức năng của TP. Hồ Chí Minh cung cấp các văn bản chỉ đạo, hoặc văn bản đồng ý về việc cấm ô tô khách trên các tuyến đường và khung giờ như nêu trên, cung cấp các số liệu khảo sát (lưu lượng xe, số giờ kẹt xe, số ngày kẹt xe trong tuần, thời gian, nguyên nhân kẹt xe...) để làm căn cứ chuyên môn cho việc lắp đặt biển cấm.
Trường hợp không cung cấp được cơ sở pháp lý của việc cấm xe, Công ty đề nghị cơ quan có thẩm quyền gỡ bỏ biển cấm xe khách lưu thông trên khu vực đường Lê Hồng Phong, Vĩnh Viễn và Trần Nhân Tôn vào khung giờ nêu trên.
Về vấn đề này, UBND TP. Hồ Chí Minh trả lời như sau:
Qua nội dung phản ánh của một số cơ quan truyền thông và cử tri Thành phố về tình trạng mất trật tự an toàn giao thông do các loại xe khách gây ra trên địa bàn Quận 5 và Quận 10, các cơ quan chức năng của thành phố đã phối hợp kiểm tra tình hình trật tự an toàn giao thông tại khu vực.
Trên cơ sở số liệu khảo sát, kiểm đếm lượng phương tiện lưu thông trên một số tuyến đường, các cơ quan chức năng đều nhận định, hoạt động kinh doanh đón trả khách tại khu vực đường Lê Hồng Phong, Quận 10 đã ảnh hưởng đến sinh hoạt của khu dân cư, gây mất trật tự lòng lề đường, an toàn giao thông trên địa bàn.
Để nhanh chóng khắc phục và làm chuyển biến tình hình, trên cơ sở ý kiến đồng thuận của các đơn vị chức năng, nhất là Ban An toàn giao thông Thành phố và Công an Thành phố, Sở Giao thông vận tải đã triển khai việc cấm ô tô khách trên 25 chỗ ngồi lưu thông trên đường Lê Hồng Phong (đoạn từ đường Hùng Vương đến đường Lý Thái Tổ), đường Vĩnh Viễn (đoạn từ đường Lê Hồng Phong đến đường Ngô Gia Tự) và đường Trần Nhân Tôn (đoạn từ đường Ngô Gia Tự đến đường Hùng Vương), Quận 10 trong khoảng thời gian 0-22h kể từ ngày 29/10/2016.
Đến nay, qua công tác phối hợp kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, các lực lượng chức năng đã phát hiện và xử lý 53 vụ xe khách trên 25 chỗ vi phạm lưu thông vào các tuyến đường cấm nêu trên, với số tiền xử phạt là hơn 73 triệu đồng (chưa phát hiện trường hợp vi phạm của Công ty TNHH Thành Bưởi).
Tình hình giao thông trên các tuyến đường xung quanh khu vực này đã dần đi vào ổn định, không còn tình trạng mất trật tự an toàn giao thông do các loại xe khách lưu thông ra vào gây ra.
Về phía Công ty TNHH Thành Bưởi, Công ty đã lần lượt có các công văn vào tháng 11, tháng 12/2016 cung cấp thông tin và đề nghị giải quyết một số nội dung liên quan đến công tác tổ chức giao thông (cắm biển cấm xe) của Sở Giao thông vận tải Thành phố.
Theo đó, Công ty cho rằng chức năng, quyền hạn của Sở Giao thông vận tải theo Quyết định số 70/2010/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của UBND TP. Hồ Chí Minh không còn phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Về việc này, UBND Thành phố đã có chỉ đạo và Sở Giao thông vận tải Thành phố đã làm việc cụ thể, trực tiếp với Công ty TNHH Thành Bưởi (vào ngày 3/11/2016) và gửi Công văn số 15402/SGTVT-KT ngày 3/11/2016 đến Công ty để phản hồi về các nội dung có liên quan.
Sở GTVT tiếp tục được giao thực hiện việc tổ chức giao thông đô thị
Trong thời gian qua, công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh được Đảng, Chính phủ và các bộ, ngành hết sức quan tâm, cụ thể là Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 về từng bước khắc phục ùn tắc giao thông tại TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Nghị quyết số 88/NQ-CP ngày 24/8/2011 về tăng cường các giải pháp trọng tâm bảo đảm trật tự an toàn giao thông; Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4/9/2012 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông.
Triển khai thực hiện, UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Giao thông vận tải chủ trì triển khai thực hiện các Chương trình, Kế hoạch cụ thể; trong đó, công tác tổ chức giao thông đô thị là nhiệm vụ trọng tâm (thông qua việc thiết lập và quản lý hệ thống báo hiệu đường bộ).
Theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, công tác này thuộc chức năng, quyền hạn của đơn vị theo quy định tại Quy chế tổ chức và hoạt động của Sở Giao thông vận tải được ban hành kèm theo Quyết định số 70/2010/QĐ-UBND ngày 17/9/2010 của UBND TP. Hồ Chí Minh; Quyết định số 94/QĐ-UBND ngày 10/1/2009 của UBND TP. Hồ Chí Minh về ban hành Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 16/2008/NQ-CP ngày 31/7/2008 của Chính phủ; Chỉ thị số 20/2011/CT-UBND ngày 31/5/2011 của UBND TP. Hồ Chí Minh về tăng cường kiểm tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, phòng chống tai nạn giao thông trên địa bàn thành phố.
Đây là công việc thường xuyên, liên tục và Sở Giao thông vận tải đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công, khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu và chủ động trong công tác tổ chức giao thông, kéo giảm ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông trong nhiều năm liên tiếp, góp phần chung vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Ngày 10/12/2015, UBND TP. Hồ Chí Minh đã có Công văn số 7672/UBND-VX gửi Thủ tướng Chính phủ về tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố và các cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND quận - huyện. Trong đó, Thành phố tiếp tục kiến nghị phân công cho Sở Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị trên địa bàn Thành phố như hiện nay.
Vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành Quyết định số 6204/QĐ-UBND ngày 28/11/2016 kèm theo Kế hoạch triển khai Nghị quyết đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X về chương trình Giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020, trong đó UBND Thành phố tiếp tục "giao Sở Giao thông vận tải chủ trì phối hợp với Ban An toàn giao thông, Công an Thành phố và các đơn vị liên quan chủ động, chịu trách nhiệm thực hiện công tác tổ chức phân luồng giao thông tại các vị trí, các khu vực thường xuyên mất an toàn giao thông trên địa bàn Thành phố".
Trong thời gian tới, UBND TP. Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng của Thành phố thực hiện tốt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi, minh bạch, công bằng cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.