Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi. Ảnh: SGGP |
Cụ thể, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng cập nhật kế hoạch tổng thể về thu dung điều trị dịch bệnh COVID-19 theo các kịch bản dưới 100, từ 100 đến dưới 200 và từ 200 đến 500 trường hợp dương tính nhằm sẵn sàng ứng phó với hiệu quả cao nhất.
Theo báo SGGP, Sở Y tế TPHCM đã xây dựng kịch bản ứng phó với COVID-19 theo 3 tình huống giả định.
Tình huống 1: TPHCM có dưới 100 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm theo tối đa 870 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 32 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.
Chịu trách nhiệm thu dung và tiếp nhận điều trị người bệnh xác định và nghi nhiễm trong tình huống này (cũng là tình huống hiện nay) là 4 bệnh viện, gồm: Bệnh viện Bệnh lý hô hấp cấp tính Củ Chi (300 giường), Bệnh viện Điều trị COVID-19 Cần Giờ (600 giường), Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (Khoa Nhiễm D với 40 giường), Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Khoa Nhiễm với 30 giường). Số giường cách ly điều trị luôn sẵn sàng tại 4 bệnh viện này là 970 giường, trong đó có 37 giường đặt trong buồng áp lực âm, 32 giường hồi sức và 42 máy thở.
Tình huống 2: Thành phố có từ 100-200 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 1.244 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị, tối đa 86 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.
Chịu trách nhiệm thu dung và tiếp nhận điều trị trong tình huống này là 5 bệnh viện, gồm ngoài 4 bệnh viện nêu trên với sự huy động tăng thêm công suất giường cách ly điều trị lên mức tối đa có thể, trong đó: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ tăng lên mức 400 giường (toàn Bệnh viện chuyển sang chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19, trừ Khoa Uốn ván) và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố tăng lên mức 100 giường (bổ sung 70 giường từ một khoa lâm sàng được chuyển đổi sang chuyên tiếp nhận bệnh nhân COVID-19); Bệnh viện Nhi đồng 2 với 44 giường từ Khoa Nhiễm của Bệnh viện này. Tổng số giường cách ly điều trị luôn sẵn sàng tại 5 bệnh viện trong giai đoạn này là 1.444 giường bệnh, trong đó có 59 giường đặt trong buồng áp lực âm, 86 giường hồi sức và 86 máy thở.
Tình huống 3: Thành phố có từ 200-500 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, kèm tối đa 2.785 trường hợp nghi nhiễm có triệu chứng cần cách ly điều trị và tối đa 172 trường hợp bệnh nặng cần hồi sức.
Với tình huống này, bên cạnh 5 bệnh viện nêu trên, ngành y tế sẽ huy động thêm Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và chuyển đổi công năng 464 giường bệnh của tất cả các khoa lâm sàng của Bệnh viện này để chuyên tiếp nhận điều trị COVID-19. Ngoài ra, khi đã sử dụng hết cơ số giường bệnh tại các bệnh viện được phân công, sẽ tiếp tục huy động số giường cách ly tại các khu cách ly của các bệnh viện còn lại (1.350 giường). Như vậy, tổng cộng số giường có thể huy động phục vụ cho tình huống này là 3.258 giường, trong đó có 82 giường đặt trong buồng áp lực âm, 172 giường hồi sức và 192 máy thở.
PGS.TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết Sở Y tế đang phát động toàn hệ thống y tế, từ hệ dự phòng, cơ sở cho đến hệ khám, chữa bệnh công lập và tư nhân tham gia triển khai có hiệu quả “Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch COVID-19” đến hết 10/3.
Chiến dịch cao điểm phòng chống dịch COVID-19 bao gồm tiếp tục kiểm soát chuỗi lây nhiễm trên địa bàn; tổ chức khai báo y tế, xét nghiệm tầm soát và giám sát đối với người đến từ các vùng dịch trong nước; giám sát, đánh giá người về Thành phố từ các tỉnh phía bắc; giám sát, đánh giá các chuyên gia nhập cảnh vào TPHCM đang làm việc từ ngày 1/1 đến nay.
*Về tình hình các điểm phong tỏa y tế, tối 21/2, TPHCM đã dỡ phong tỏa 4 địa điểm thuộc quận Gò Vấp và quận Bình Tân.
Các điểm được dỡ phong tỏa gồm: Chung cư Felix Homes 44 Nguyễn Văn Dung, Phường 6, quận Gò Vấp; hẻm 251 Quang Trung, Phường 10, quận Gò Vấp; hẻm 67 Nguyễn Thị Tú, khu phố 3, phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân; hẻm 60/41 đường Nguyễn Văn Cự và hẻm 38 đường Kinh số 1 (tổ 39), khu phố 5, phường Tân Tạo A, quận Bình Tân.
BT