![]() |
Ảnh minh họa |
Thành phố Hồ Chí Minh khuyến khích các văn phòng Thừa phát lại do một Thừa phát lại thành lập (tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân) chuyển đổi sang văn phòng Thừa phát lại do từ hai Thừa phát lại trở lên thành lập (tổ chức và hoạt động theo loại hình công ty hợp danh).
Bên cạnh đó, Sở Tư pháp sẽ chủ trì tổ chức đào tạo về nghề Thừa phát lại để tạo nguồn bổ nhiệm Thừa phát lại cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Thành phố Hồ Chí Minh cũng chú trọng phát triển đội ngũ thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại. Qua việc rà soát thực trạng đội ngũ thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại, xác định nhu cầu của các văn phòng Thừa phát lại về số lượng cũng như trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại. Từ đó, xây dựng phương án phát triển đội ngũ thư ký nghiệp vụ Thừa phát lại cả về số lượng lẫn chất lượng.
Tính đến ngày 6/5/2013, Thành phố Hồ Chí Minh có 8 văn phòng Thừa phát lại đang hoạt động trên địa bàn các quận: 1, 5, 8, 10, Gò Vấp, Bình Thạnh, Tân Bình, Bình Tân.
Sau hơn 2 năm thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại bước đầu đã được những kết quả rất khả quan. Cụ thể, tính đến tháng 8/2012, các văn phòng Thừa phát lại đã thực hiện tống đạt được hơn 103.000 văn bản, đã lập và đăng ký tại Sở Tư pháp tổng cộng hơn 5.000 vi bằng, thực hiện được 147 vụ việc xác minh điều kiện thi hành án và trực tiếp tổ chức thi hành được 26 vụ án.
Việc lập vi bằng của Thừa phát lại đã tạo thêm một công cụ pháp lý để người dân tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong thực hiện các giao dịch dân sự và trong các quá trình tố tụng tư pháp.
Hoạt động Thừa phát lại bước đầu góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự, góp phần bảo đảm cho việc xét xử khách quan, kịp thời và chính xác, hạn chế một số tiêu cực trong hoạt động thi hành án.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Tiếp tục thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại"; theo đó, sẽ mở rộng việc thí điểm chế định Thừa phát lại từ 12 đến 15 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Ngoài ra, vẫn tiếp tục thực hiện thí điểm tại Thành phố Hồ Chí Minh; duy trì hoạt động của các Văn phòng Thừa phát lại đã được thành lập và thành lập thêm một số Văn phòng Thừa phát lại tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Thừa phát lại là người được Nhà nước bổ nhiệm để làm các công việc về thi hành án dân sự, tống đạt giấy tờ, lập vi bằng và các công việc khác theo quy định. Theo quy định tại Nghị định 61/2009/NĐ-CP, công việc Thừa phát lại được làm: - Thực hiện việc tống đạt theo yêu cầu của tòa án hoặc cơ quan thi hành án dân sự (Tống đạt là việc thông báo, giao nhận các văn bản của Tòa án và Cơ quan Thi hành án dân sự do Thừa phát lại thực hiện theo quy định của pháp luật); - Lập vi bằng theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức (vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập, ghi nhận sự kiện, hành vi được dùng làm chứng cứ trong xét xử và trong các quan hệ pháp lý khác); - Xác minh điều kiện thi hành án theo yêu cầu của đương sự; - Trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự (trừ các bản án, quyết định thuộc diện Thủ trưởng Cơ quan thi hành án dân sự chủ động ra quyết định thi hành án). |
Thanh Thanh