TPHCM cần hơn 73.000 tỷ đồng chống ngập |
Trong đó, đã hoàn thành (giai đoạn I) 4 dự án ODA lớn là: Dự án vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè, dự án cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, dự án nâng cấp đô thị lưu vực kênh Tân Hóa - Lò Gốm, dự án Đại lộ Đông - Tây. Nhờ đó, từng bước giải quyết tình trạng ngập nước, xử lý nước thải cho vùng trung tâm Thành phố với diện tích khoảng 100 km2.
Hiện TPHCM đang thực hiện chống ngập theo 2 quy hoạch. Đó là Quy hoạch Thoát nước mưa và Quy hoạch Thủy lợi chống ngập úng.
Cũng theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, hiện nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế Thành phố trong giai đoạn 2016 - 2020 lên đến 1,8 triệu tỷ đồng; dành riêng cho phát triển cơ sở hạ tầng là 0,81 triệu tỷ đồng. Trong đó, giảm ngập nước (1 trong 7 chương trình đột phá, trọng điểm của Thành phố) nhu cầu đầu tư là 96.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2011 - 2015, TPHCM đã triển khai với tổng vốn gần 23.000 tỷ đồng, còn lại khoảng 73.300 tỷ đồng.
Tuy nhiên, ngân sách của Thành phố chỉ đảm bảo cân đối khoảng 16.340 tỷ đồng; ngân sách Trung ương hỗ trợ 588 tỷ đồng, còn lại là kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa khoảng 20.280 tỷ đồng, vận động nguồn ODA (kết hợp xã hội hóa) là 36.130 tỷ đồng.
Trên cơ sở các dự án và dự kiến nguồn vốn triển khai giai đoạn 2016 - 2020, TPHCM kêu gọi đầu tư vào 17 dự án thuộc chương trình giảm ngập nước bằng hình thức đối tác công - tư (PPP) gồm: 7 dự án xây dựng hệ thống thu gom, nhà máy xử lý nước thải, 6 dự án cải tạo, nạo vét kênh rạch, 3 dự án đê bao cùng các cổng kiểm soát triều và 1 dự án ứng dụng công nghệ xử lý nước thải mới tại Nhà máy xử lý nước thải Bình Hưng.
Đáng chú ý là dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Tây Sài Gòn (tổng mức đầu tư 7.700 tỷ đồng) và dự án Nhà máy xử lý nước thải lưu vực Bình Tân (tổng mức đầu tư 9.804 tỷ đồng). Rất nhiều khả năng các dự án này sẽ thực hiện theo hình thức BLT, loại hợp đồng thực hiện có kết hợp quá trình xây lắp, vận hành (thuê dịch vụ), chuyển giao, trong đó, chi phí đầu tư và vận hành sẽ được chi trả bằng nguồn thu từ giá dịch vụ thoát nước.
TPHCM đang bị sụt lún, dự tính mỗi năm, mặt đất sụt lún 7 cm với mức độ sụt lún đang tăng nhanh. Theo dự báo, trong ít thập kỷ nữa, một phần của TPHCM sẽ nằm dưới mực nước biển.
Liên quan đến vấn đề này, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND THCM cho rằng, nguyên nhân gây ngập có nhiều, trong đó đáng chú ý là việc phát triển đô thị không đúng gây ra tình trạng ngập nước, vì vậy việc giải quyết ngập ở từng vị trí phải xác định cụ thể mới có giải pháp hợp lý. Tới đây, TPHCM sẽ điều chỉnh lại quy hoạch thoát nước, đồng thời, có bản đồ mô phỏng tình hình ngập của Thành phố để nhận diện, đánh giá, tìm giải pháp. |
BT