Đây là hoạt động định kỳ hằng năm do Sở Công Thương TPHCM phối hợp với Ban quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp (HEPZA) và Ban quản lý Khu Công nghệ cao (SHTP) tổ chức.
Theo Sở Công Thương TPHCM, Hội nghị nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có chiến lược nội địa hóa tìm kiếm các nhà cung cấp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ trong nước, đồng thời tạo nền tảng cho các chương trình đầu tư phát triển công nghiệp của Thành phố có bước phát triển bền vững thông qua việc hình thành mạng lưới các nhà sản xuất nhỏ và vừa.
Từ năm 2018 đến năm 2021, với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, Hội nghị đã mang lại những kết quả tích cực. Sau Hội nghị tìm kiếm nhà cung cấp công nghiệp hỗ trợ năm 2021 đã có hơn 200 cuộc kết nối giữa các bên liên quan.
Năm 2022, Hội nghị được tổ chức với sự mở rộng về quy mô, đối tượng nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả các hoạt động kết nối giữa các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam với các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối.
Đối tượng tham gia Hội nghị là các doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đầu cuối, các công ty sản xuất công nghiệp hỗ trợ Việt Nam và các đối tác trong mạng lưới cung ứng, hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.
Ban Tổ chức Hội nghị cho biết, các doanh nghiệp, công ty, đơn vị tham gia Hội nghị sẽ được đảm bảo mọi quyền lợi để kết nối, quảng bá, xúc tiến đầu tư phát triển… Cụ thể, được bố trí 1 bàn trưng bày và 1 bàn kết nối tại Hội nghị; tiếp xúc, trao đổi và kết nối trực tiếp với các nhà sản xuất công nghiệp hỗ trợ; quảng bá hình ảnh công ty, sản phẩm, dịch vụ đến khách hàng tiềm năng; được cung cấp thường xuyên cơ sở dữ liệu của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ từ Cổng cơ sở dữ liệu trực tuyến; được tham gia các hoạt động phát triển công nghiệp hỗ trợ theo chủ trương, chính sách hỗ trợ của Chính phủ và Ủy ban nhân dân TPHCM.
Nhật Thy