Đây là cuộc thi do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) TPHCM chủ trì tổ chức, phối hợp cùng Thành Đoàn TPHCM, Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM và Đại học Quốc gia TPHCM, triển khai thực hiện bởi Vườn ươm Doanh nghiệp CNC và Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ.
Cuộc thi tìm kiếm các sản phẩm, giải pháp, các ý tưởng thiết kế vi mạch để giải quyết các bài toán được đặt ra trong bối cảnh thành phố đang tập trung đầu tư phát triển và đẩy mạnh xây dựng đô thị thông minh, kết quả của cuộc thi sẽ góp phần thúc đẩy phát triển nguồn nhân lực vi mạch nói riêng và ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn của thành phố nói chung.
Phát triển vi mạch bán dẫn tại khu CNC phù hợp với chương trình phát triển công nghiệp vi mạch của TPHCM, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của TPHCM và Khu CNC trong giai đoạn 2024 - 2025. Do đó, để phát triển ngành vi mạch thì nguồn nhân lực chính là lợi thế nổi bật nhất là chìa khoá quyết định cho con đường phát triển công nghiệp bán dẫn của đất nước nói chung và TPHCM nói riêng, nơi tập trung hơn 80% nhân lực ngành, đặc biệt là nhân lực trong khâu thiết kế, khâu có giá trị gia tăng cao nhất của chuỗi giá trị ngành.
Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực không chỉ là câu chuyện của riêng doanh nghiệp hay ngành giáo dục mà đòi hỏi sự liên kết giữa Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp (ba nhà) để cùng kiến tạo một môi trường để thu hút, đào tạo, cung cấp nguồn tài nguyên và cơ hội phát triển cho các sinh viên tài năng trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn.
Đó cũng chính là những lý do mà Khu CNC đã mạnh dạn cùng với Sở Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Thành đoàn, ĐH Quốc gia phát động và tổ chức cuộc thi thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần thứ nhất năm 2023. Với mong muốn ban đầu tạo ra một sân chơi trí thức, truyền cảm hứng, nuôi dưỡng đam mê cho các bạn sinh viên ưu tú trong khối ngành kỹ thuật.
Cuộc thi đã nhận được sự quan tâm của đông đảo các giảng viên, sinh viên trường đại học và các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực thiết kế vi mạch bán dẫn.
Vòng chung kết là sân khấu tranh tài của Top 5 dự án xuất sắc nhất trên tổng số 39 dự án tham gia cuộc thi. Từ vòng sơ loại, thời gian đào tạo - triển khai và vòng đánh giá chuyên môn trong hơn 5 tháng qua, các dự án đã được đánh giá và lựa chọn rất kỹ lưỡng về tính khả thi, ứng dụng và khả năng hoàn thiện sản phẩm.
Các bạn sinh viên có thời gian 10 tuần đào tạo với chuyên gia để hoàn thiện ý tưởng và quy trình thiết kế trên các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế. Các sản phẩm được đánh giá chuyên môn trước khi được ban giám khảo doanh nghiệp đánh giá tại vòng chung kết này, để khẳng định sự hoàn thiện về công nghệ, tính ứng dụng, khả năng ươm tạo và thương mại.
Đặc biệt, những dự án đạt giải cao sẽ tiếp tục được Khu CNC của thành phố hỗ trợ để dự án được ươm tạo, tiến tới phát triển và chuyển giao sản phẩm cho sản xuất. Đây là cách thức tổ chức tiến bộ, sáng tạo, bền vững trên cơ sở một hệ sinh thái ngành mà Hiệp hội Vi mạch bán dẫn toàn cầu SEMI cùng với các doanh nghiệp dẫn đầu về thiết kế vi mạch như Cadence, Synopsys, Siemens cũng đang thực hiện.
Đánh giá chung cho thấy, các dự án vào vòng trong đã thể hiện được rất tốt 3 tiêu chí: Tính đổi mới sáng tạo, tính hiệu quả và khả năng ươm tạo, phát triển. Một số dự án có những ý tưởng thiết kế vi mạch khá mới mẻ, được các chuyên gia từ các doanh nghiệp vi mạch đánh giá rất tốt về tiềm năng thương mại hóa và đăng ký văn bằng sở hữu trí tuệ.
Chất lượng các sản phẩm dự thi là một minh chứng cho sự thành công của cuộc thi năm nay. Top 5 nhóm dự án thiết kế vi mạch tại Vòng chung kết đều có ý tưởng chỉn chu, có tính mới, tính sáng tạo, được trình bày rất tốt thông qua các thiết kế poster, video demo, thể hiện sự am hiểu về kỹ thuật qua việc trả lời chất vấn của hội đồng chuyên môn.
Đây là những dự án phù hợp với chủ đề cuộc thi, tập trung vào thiết kế chip ứng dụng trong các lĩnh vực đô thị thông minh, có tính ứng dụng và thương mại hoá cao: (như nâng cao hiệu suất chuyển đổi số giữa các thiết bị thu thập dữ liệu cảm biến IoT; thiết kế chip tích hợp thuật toán nhận dạng vật thể trong điều kiện sương mù, xử lý dữ liệu giao thông; thiết kế hệ thống bảo mật mã hóa tăng cường tính bảo mật dữ liệu trong hệ thống IoT; y tế thông minh; xe tự lái với độ an toàn, định vị chính xác cao).
Đồng hành cùng cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1, bà Sharon LiXu, Phó Chủ tịch Cấp cao phụ trách Dịch vụ tập trung, Techtronic Industries Việt Nam (TTI) chia sẻ, chung tay cùng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao, các sở, ban, ngành Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đóng góp cho sự phát triển xã hội luôn là một phần quan trọng trong chiến lược ESG (môi trường-xã hội-quản trị) của tập đoàn, đặc biệt trong việc tạo nên những sân chơi bổ ích để tuổi trẻ Thành phố Hồ Chí Minh được tiếp cận và ứng dụng các tiến bộ trong sáng tạo và đổi mới công nghệ.
Cuộc thi Thiết kế vi mạch cho đô thị thông minh lần 1 là một kết quả khả quan cho hành trình thực hiện mục tiêu mở rộng quy mô, chất lượng hoạt động đào tạo nhân lực theo nhu cầu doanh nghiệp, nghiên cứu hướng tới sở hữu các công nghệ lõi, ươm tạo doanh nghiệp vi mạch và thu hút các dự án đầu tư chiến lược trong lĩnh vực vào hoạt động tại khu CNC. Các dự án vi mạch bán dẫn trưởng thành từ cuộc thi sẽ được đào tạo chuyên sâu, ươm tạo và kết nối phát triển, nghiên cứu triển khai rộng rãi với sự cộng hưởng hỗ trợ của ban quản lý Khu CNC TPHCM và tiến xa hơn nữa tới việc hình thành doanh nghiệp thiết kế vi mạch ngay tại Khu CNC TPHCM.
Các dự án tham gia chung kết sẽ nhận được tổng giải thưởng hơn 100 triệu đồng và có cơ hội tiếp tục tham gia chương trình ươm tạo vi mạch tại Khu CNC TPHCM, tạo nền tảng để phát triển hơn nữa trong tương lai.
Tiếp nối thành công của cuộc thi Thiết kế vi mạch lần 1, tại chương trình, cuộc thi Thiết kế vi mạch lần 2 chính thức được phát động. Với chủ đề liên quan đến tiến trình phát triển khoa học - công nghệ quốc gia theo định hướng tăng trưởng xanh, hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững, cuộc thi Thiết kế vi mạch lần 2 sẽ bắt đầu hành trình tìm kiếm và ươm mầm những dự án thiết kế vi mạch ứng dụng trong các lĩnh vực công nghệ xanh, thông minh, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng, là nền tảng để phát triển hạ tầng giao thông xanh, phát triển đô thị xanh, sản xuất bền vững.
Kỳ vọng sau cuộc thi, các dự án thiết kế vi mạch sẽ luôn giữ vững niềm đam mê và tinh thần sáng tạo, tiếp tục hoàn thiện và phát triển hơn nữa sản phẩm của mình để mang lại giá trị thực sự, góp phần lan tỏa niềm đam mê và thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn và hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo khoa học - công nghệ, tăng cường chuyển đổi số và đóng góp vào tiến trình xây dựng thành phố thông minh của TPHCM và trên cả nước.
Giải nhất của Cuộc thi Thiết kế vi mạch lần 1 thuộc về Dự án "Thiết kế chip Analog Front-end nhiễu thấp tái cấu hình ứng dụng thu nhận tín hiệu từ cảm biến trên công nghệ CMOS 180nm".
Giải nhì thuộc về Dự án "Thiết kế phần cứng khử sương mù trong hình ảnh của camera thông minh".
Giải ba thuộc về Dự án "Thiết kế mạch SAR ADC hiệu suất cao ứng dụng chuyển đổi số tín hiệu từ cảm biến cho hệ thống IoT".
Giải khuyến khích thuộc về 4 dự án:
- Dự án "Thiết kế hệ thống bảo mật mã hóa và chứng chỉ cho FIRMWARE ứng dụng cho hệ thống IoT".
- Dự án "Thiết kế vi xử lý cho hệ thống IoT bảo đảm tính bảo mật".
- Dự án "Thiết kế Kiến trúc PIM Sử dụng SRAM và PIM Controller cho Ứng dụng Thành phố thông minh".
- Dự án "Thiết kế mạch Spiking Neural Network ứng dụng học và nhận dạng chữ số trên công nghệ CMOS".
Minh Thi