Có thể kể đến Chương trình bình ổn thị trường (BOTT) được tiên phong triển khai và duy trì suốt 23 năm qua, giúp Thành phố điều tiết giá cả thị trường, giúp hàng triệu người dân có cơ hội tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá ổn định. Hay Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp (NH-DN) giúp DN tiếp cận được nguồn vốn lãi suất ưu đãi để đẩy mạnh các hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế TPHCM phát triển... Sự tiên phong trong các phong trào đóng góp vào sự phát triển của Thành phố và cả nước, giúp TPHCM giữ vững vị thế là "đầu tàu" kinh tế.
Trong suốt quá trình đổi mới và phát triển đến nay, trải qua gần 40 năm, lĩnh vực thương mại bán lẻ đóng vai trò quan trọng, là một trong những động lực chính, trụ cột giúp TPHCM duy trì đà tăng trưởng trong suốt thời gian dài.
Thương mại dịch vụ và bán lẻ đóng góp khoảng 65% GRDP của TPHCM - Ảnh: VGP/Lê Anh
Ông Nguyễn Anh Đức, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho biết, trong cơ cấu tăng trưởng chung của nền kinh tế, lĩnh vực thương mại bán lẻ đóng vai trò vô cùng quan trọng. Hiện nay, thương mại dịch vụ và bán lẻ đóng góp khoảng 55-60% vào GRDP của cả nước, riêng TPHCM con số này lên tới trên 65%.
Thực tế cho thấy, trong suốt quá trình đổi mới và phát triển đến nay, trải qua gần 40 năm, lĩnh vực thương mại bán lẻ đóng vai trò quan trọng, là một trong những động lực chính, trụ cột giúp TPHCM duy trì đà tăng trưởng trong suốt thời gian dài.
Mặc dù thị trường có những thời điểm khó khăn, biến động giá cả nhưng thương mại bán lẻ vẫn vững vàng vượt qua và phát triển nhanh hơn khi hồi phục.
Để đạt được kết quả quan trọng này, lãnh đạo UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Công Thương Thành phố (chủ trì) cùng các đơn vị tiên phong triển khai Chương trình BOTT với mục tiêu giúp điều tiết giá cả thị trường ổn định. Sau 23 năm phát triển (từ năm 2002 - đến nay) Chương trình đã cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn, sáng tạo giúp hàng triệu người dân có cơ hội tiếp cận nguồn hàng hóa chất lượng, giá ổn định. Qua đó góp phần kiềm chế lạm phát và giúp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Thành phố thường xuyên ở mức thấp hơn bình quân cả nước.
Theo ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, từ mục tiêu ban đầu là ổn định giá cả ngắn hạn mùa Tết, đến nay Chương trình đã trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu thông qua điều tiết cung - cầu hàng hóa, giảm tối đa các biện pháp can thiệp hành chính lên giá bán.
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho biết, chương trình BOTT trở thành công cụ điều tiết giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu - Ảnh: VGP/Lê Anh
Giai đoạn đầu, Chương trình chỉ có sự tham gia của thành phần kinh tế nhà nước, nhưng đến nay đã huy động tất cả thành phần kinh tế đồng hành thực hiện bình ổn thị trường. Từ giải pháp dự trữ hàng hóa là chủ đạo, đến nay Chương trình thực hiện bình ổn thị trường trong dài hạn, tập trung thúc đẩy sản xuất trong nước theo hướng hiện đại, năng suất cao; đảm bảo nguồn cung dồi dào, bền vững.
Hằng năm, Thành phố thông báo rộng rãi, tích cực vận động, mời gọi doanh nghiệp tham gia Chương trình thông qua 3 hình thức: Cung ứng hàng hóa, phân phối hàng hóa và hỗ trợ tín dụng thực hiện chương trình với nhiều quyền lợi thiết thực. Lượng hàng bình ổn, tiêu dùng thiết yếu mà các DN đăng ký luôn chiếm từ 21-43% các tháng thường và có thể tăng mạnh hơn vào dịp lễ Tết.
Đặc biệt, các DN tham gia chương trình BOTT đã thông qua những chương trình thiết thực như ký kết hợp tác phát triển giữa TPHCM và các tỉnh, thành phố, các hội nghị "Kết nối cung - cầu hàng hóa" để thực hiện hoạt động liên kết, hợp tác phát triển nguồn hàng, đặc biệt là bao tiêu, tiêu thụ nông sản đặc trưng tại các vùng miền, sản phẩm OCOP, nâng cao chất lượng sản phẩm, định hướng đầu ra; qua đó kích thích phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh trên địa bàn Thành phố cũng như cả nước.
Song song với việc duy trì và phát triển Chương trình BOTT, nhằm nâng tầm chất lượng sản phẩm đầu vào, kiểm soát chất lượng hàng hóa đầu vào ngày một tốt hơn, nâng cao giá trị chuỗi cung ứng cho hàng hóa Việt, từ tháng 3/2024, TPHCM tiếp tục tiên phong triển khai Chương trình "Kiểm soát chất lượng hàng hóa trên địa bàn TPHCM" - gọi tắt là "Tick xanh trách nhiệm".
Ông Nguyễn Minh Hùng, Phó Phòng quản lý thương mại, Sở Công Thương TPHCM cho biết, Chương trình nhằm định hướng hoạt động sản xuất lương thực, thực phẩm an toàn, bền vững thông qua tín hiệu thị trường (đại diện là các hệ thống bán lẻ) với sự tham gia tự nguyện, tự giác, chủ động nâng cao trách nhiệm của các chủ thể trong chuỗi cung ứng; qua đó đáp ứng yêu cầu tiêu dùng nội địa, hướng đến xuất khẩu.
Hàng hóa gắn “Tick xanh trách nhiệm” được trưng bày tại một hệ thống phân phối để người tiêu dùng nhận diện - Ảnh: VGP/Lê Anh
Sau 1 năm triển khai, đến đầu tháng 4/2025, Chương trình đã nhận được sự tham gia của 11 nhà phân phối bán lẻ hàng đầu trên thị trường (chiếm thị phần khoảng 80% thị trường bán lẻ hiện đại) gồm: Saigon Co.op, Satra, Aeon, Central Retail, MM Mega Market, Bách hóa Xanh, Wincommerce, King Food Market, Lotte mart, GS25, Genshai và sự tham gia tích cực của hơn 120 nhà cung ứng với hơn 300 sản phẩm hàng hóa cung ứng cho các hệ thống phân phối, bán lẻ.
Nhiều nhà cung cấp nhận xét, Chương trình giúp niềm tin của người tiêu dùng về sản phẩm hàng Việt được nâng cao hơn. Phía DN cũng tự giác hơn khi chấp nhận phát sinh một số chi phí như chi phí giám sát vùng trồng, vật tư... để cải thiện, hoàn chỉnh mô hình sản xuất đúng tiêu chuẩn đăng ký.
Ông Jose Mestre, Giám đốc Thương mại ngành thực phẩm tươi sống tập đoàn Central Retail Việt Nam, nhấn mạnh: "Chúng tôi tin tưởng rằng, khi người tiêu dùng ủng hộ các sản phẩm gắn "Tick xanh trách nhiệm", chúng ta sẽ có thêm nhiều nhà cung ứng tham gia vào chương trình này, góp phần xây dựng môi trường bán lẻ bền vững, an toàn, trách nhiệm".
Bà Võ Thị Bích Thủy, Phó Giám đốc phòng Quản lý chất lượng Saigon Co.op - nhà phân phối bán lẻ chiếm thị phần số 1 tại TPHCM cho biết, đơn vị đã ký kết với hơn 20 nhà cung cấp đến từ các tỉnh, thành phố như TPHCM, Bình Dương, Tây Ninh, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Tiền Giang và đang vận động thêm nhiều nhà cung cấp tìm hiểu, tham gia chương trình. Theo Saigon Co.op, trước khi ký kết với nhà cung cấp, đơn vị đã dựa trên điểm mạnh của từng địa phương để xây dựng vùng nguyên liệu cho từng loại sản phẩm. Trong giai đoạn sắp tới, đơn vị này sẽ mở rộng ra nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước
Ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TPHCM, cho rằng: "Chương trình "Tick xanh trách nhiệm" có ý nghĩa quan trọng trong công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng hàng hóa và giúp cho việc xây dựng được một chuỗi cung ứng bền vững. Sở Công Thương TPHCM cũng đang phối hợp với các tỉnh, thành phố để mở rộng triển khai Chương trình đến các doanh nghiệp sản xuất, cung ứng ở địa phương. Mục tiêu là tất cả sản phẩm lưu thông trên thị trường đều có "Tick xanh trách nhiệm", đều được kiểm soát và bảo đảm chất lượng, an toàn ở mức cao nhất.
Sở Công Thương TPHCM cũng sẽ phối hợp cùng các bên liên quan xây dựng hệ thống dữ liệu, tiêu chuẩn đánh giá và bộ tiêu chí dùng chung của tất cả đơn vị tham gia. Sản phẩm của các đơn vị sẽ được xem xét đánh dấu "tick xanh" và được hỗ trợ ưu tiên từ các hệ thống phân phối lớn; có website để kiểm tra những sản phẩm, đơn vị có "tick xanh".
Tập đoàn Central Retail Việt Nam ký kết hợp tác chương trình “Tick xanh trách nhiệm” với các nhà sản xuất tại Lâm Đồng - Ảnh: VGP/Lê Anh
Theo các chuyên gia, việc duy trì Chương trình BOTT và ngày càng mở rộng Chương trình "Tick xanh trách nhiệm" bên cạnh đẩy mạnh các chương trình kích cầu tiêu dùng khuyến mãi, giảm giá sâu trong năm, tiêu biểu như Chương trình Tháng khuyến mãi tập trung-mùa mua sắm "Shopping Season" hàng năm… sẽ là động lực quan trọng và vững chắc cho sự tăng trưởng của thương mại – tiêu dùng Thành phố.
Theo Cục Thống kê TPHCM, nếu như năm 2023, tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của Thành phố tăng 9,6% so với cùng kỳ, thì sang năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn TPHCM tiếp tục tăng trưởng ấn tượng với mức tăng 10,5% so với năm trước.
Bước sang năm 2025, ngay từ đầu năm, công tác bình ổn thị trường tiếp tục được triển khai rộng rãi, đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho dịp mua sắm Tết Nguyên đán. Đồng thời, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ đã chủ động trong việc chuyển đổi số, kinh doanh thương mại điện tử và cải tiến dịch vụ vận tải đáp ứng xu thế phát triển của thị trường.
Theo báo cáo của UBND TPHCM, trong quý I/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 316.632 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ.
Lê Anh