Ảnh minh họa |
Sở Công Thương sẽ chọn ngành hàng đã được phân khu riêng biệt hoặc tương đương. Chủ thể kinh doanh cố định phải có đăng ký kinh doanh. Theo đó, các mặt hàng chủ yếu đang mua bán trong chợ đã xác định được nguồn gốc.
Cụ thể, tại chợ Bến Thành, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chọn 3 ngành hàng ăn uống, rau-củ-quả và thực phẩm tươi sống (thịt gia súc, gia cầm) để thực hiện việc bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Còn chợ đầu mối Hóc Môn, Sở đã chọn ngành hàng rau-củ-quả cùng với thịt gia súc để triển khai đề án. So với những chợ khác, các mặt hàng được chọn ở hai chợ trên cơ bản đã xác định được nguồn gốc, có bao bì rõ ràng, có hạn sử dụng.
Ðể mô hình phát triển tốt, Sở Công Thương sẽ tổ chức những buổi tuyên truyền cho tiểu thương ở 2 chợ trên, mở những lớp tập huấn kiến thức về an toàn thực phẩm cho tiểu thương nhằm góp phần thay đổi nhận thức, thói quen.
Đồng thời đẩy mạnh công tác truyền thông giúp cộng đồng dân cư nhận thức rõ hơn về việc sử dụng sản phẩm sạch, an toàn.
Theo Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, mục tiêu của việc xây dựng các chợ theo đề án “Mô hình chợ thí điểm bảo đảm an toàn thực phẩm” nhằm đáp ứng nhu cầu cần thiết cho người dân trên địa bàn trong việc sử dụng sản phẩm tươi sống, sạch và an toàn. Đồng thời nâng cao chất lượng phục vụ của tiểu thương tại chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại, phù hợp với xu hướng hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển của Thành phố.
Việc triển khai thực hiện đề án cũng sẽ góp phần nâng cao chất lượng công tác quản lý của ban quản lý chợ, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác kiểm tra, giám sát của các ngành chức năng trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.
Được biết, hiện nay Thành phố Hồ Chí Minh có 247 chợ truyền thống, 142 siêu thị, 25 trung tâm thương mại, 200 cửa hàng tiện ích, hơn 2.000 điểm bán tạp hóa và hàng trăm điểm bán hàng tự phát khác.
Minh Phương