|
Theo Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước TP.HCM, trong năm 2010, việc hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều công trình chống ngập trên địa bàn đã phát huy tác dụng giảm ngập. Tiêu biểu như công trình hạn chế "rốn ngập" tại khu vực Vòng xoay Cây Gõ, Bến xe Chợ Lớn; triển khai lắp 365 van ngăn triều và lắp đặt bơm nước tại vị trí bị ngập. Ngoài ra, các đơn vị đã tiến hành nạo vét tổng chiều dài 4.950km cống thoát nước; nạo vét 140 tuyến kênh, rạch và cửa xả với tổng chiều dài trên 17,7 km; mở thêm 45 vị trí thoát nước mới nhằm tăng cường khả năng thoát nước. Nhờ đó, tổng số điểm ngập do mưa năm 2010 giảm còn 58 điểm so với con số 126 điểm ngập năm 2009. Số tuyến đường bị ngập do triều cường cũng giảm từ 40 tuyến xuống còn 26 tuyến đường.
Nhiều dự án chậm tiến độ
Tuy nhiên, tình trạng ngập lụt trên địa bàn TP.HCM ngày càng nghiêm trọng và diễn biến phức tạp, số điểm ngập ngày càng nhiều và mức độ ngập ngày càng lớn. Trong năm 2010, cường độ mưa tăng cao so với cùng kỳ năm 2009. Thành phố xảy ra 168 trận mưa, trong đó có 82 trận mưa gây ngập (tăng 74,5 %). Sau nhiều năm chưa xuất hiện tổ hợp bất lợi giữa mưa to xảy ra cùng lúc đỉnh triều cường cao thì trong tháng 10 và 11-2010, mưa với vũ lượng lớn kết hợp với đỉnh triều cường vượt mức báo động III đã gây tình trạng ngập nặng ở nhiều khu vực, nhất là các khu vực có địa hình thấp hơn đỉnh triều. Điệp khúc mưa xuống, triều cường lên, đường phố ngập nước trở thành quen thuộc. Một trong những nguyên nhân do nhiều công trình, dự án chống ngập quy mô lớn không đảm bảo tiến độ. Nhiều dự án trọng điểm sử dụng vốn vay ODA đã trễ tiến độ đến 5 năm mà chưa biết ngày hoàn thành.
Cụ thể, các hạng mục gói thầu A cải tạo kênh Bến Nghé - Tàu Hủ của Dự án Cải thiện Môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hũ - Bến Nghé - Đôi Tẻ giai đoạn I chỉ đạt 63,7% khối lượng. Đặc biệt, hạng mục nạo vét kênh chỉ thực hiện được 108.000m3/392.000m3 (27,5% so với kế hoạch). Trong khi đó, khối lượng thi công gói thầu B dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa bằng bơm cũng chỉ đạt 68% tiến độ. Các hạng mục gói thầu số 10 cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè mới đạt 66% kế hoạch. Riêng hạng mục nạo vét kênh chỉ đạt 300.000m3/1.000.000m3 (30% kế hoạch). Ngoài ra, dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, hạng mục nạo vét kênh chỉ thực hiện được 1.670.000m3/2.400.000m3 (69,3% kế hoạch).
Đặc biệt, gói thầu trạm bơm của Dự án Vệ sinh môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã hoàn tất, nhưng chưa thể đưa vào vận vận hành do chưa đồng bộ với hệ thống thu gom. Giai đoạn 2 của dự án này là xây dựng nhà máy xử lý nước thải Nhiêu Lộc-Thị Nghè thì đang chờ kết quả lập thiết kế cơ sở dự án. Tuyến cống Trần Bình Trọng, Nguyễn Biểu, Huỳnh Mẫn Đạt, Mạc Cửu đấu nối với tuyến cống thuộc dự án Đại lộ Đông Tây, dù đơn vị thi công đã lắp đặt xong tuyến cống chính nhưng chưa tháo dỡ vách ngăn xây chặn trong lòng cống gây ngập các tuyến đường Trần Hưng Đạo, Nguyễn Biểu, Châu Văn Liêm, Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Trần Nhân Tôn… Mãi đến tháng 11-2010, đơn vị thi công mới tháo dỡ xong các vách ngăn xây chặn trong lòng cống chính. Trong khi đó, nhiều hạng mục của dự án nâng cấp đô thị do Ban quản lý dự án Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư chỉ đạt 70% - 80% tiến độ.
Có nhiều nguyên nhân khiến các công trình chống ngập nước trên địa bàn thành phố chậm tiến độ: do công tác đền bù giải phóng mặt bằng; nhiều dự án phải điều chỉnh phương án thi công do vướng công trình ngầm giao cắt khiến nhiều công trình "dậm chân tại chỗ"; nhiều nhà thầu bộc lộ hạn chế về năng lực khi thực triển khai dự án khiến nhiều công trình vẫn ngưng trệ. Vừa qua, thành phố đã cắt hợp đồng với nhà thầu Toa (Nhật Bản) do vị phạm hợp đồng thi công, một nhà thầu khác của Trung Quốc cũng bị cắt hợp đồng do chậm trễ thi công một hạng mục cải tạo kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè.
Các công trình chống ngập thi công ì ạch trong khi hạ tầng của thành phố đang chịu sức ép quá lớn gồng gánh những hậu quả của biến đổi thời tiết.
Triển khai đồng bộ các dự án
Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án chống ngập, UBND TP.HCM đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Trong đó, thành phố ưu tiên tập trung vốn, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị đầu tư và tổ chức thực hiện các dự án đê bao và cống kiểm soát triều, nạo vét các kênh rạch thoát nước quan trọng; các dự án tiêu thoát nước và xử lý nước thải cho các vùng phía Bắc, Tây, Đông - Nam, Đông - Bắc và vùng phía Nam thành phố. UBND TP Hồ Chí Minh đã thành lập tổ công tác liên ngành giúp giải quyết nhanh những vướng mắc của các nhà thầu thu công. Nhờ đó, một số thủ tục được xử lý nhanh hơn.
Ông Đỗ Tấn Long, Trưởng phòng Quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước Thành phố: công việc cấp bách hiện nay để giải quyết tình trạng ngập nước là phải đảm bảo vận hành tốt hệ thống thoát nước cũ, xây dựng và đấu nối đồng bộ các tuyến cống, triển khai nạo vét kênh rạch. Ngoài ra, Trung tâm Điều hành Chương trình Chống ngập nước tăng cường lắp đặt thêm 200 van ngăn triều ở vùng ven để hạn chế triều cường.
Trung tâm cũng vừa khởi công xây dựng cống ngăn triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè. Thi công trong vòng hai năm, công trình sẽ giúp kiểm soát mực nước triều và nước mưa, giải quyết tình trạng ngập nước cho 500ha đất trũng trong tổng số 3.400 ha tại các quận 1, Bình Thạnh, Phú Nhuận. Công trình sẽ giúp giải quyết gần một nửa số điểm ngập trong khu vực nội ô thành phố.
Tuấn Thanh