![]() |
TP Melbourne, Australia, nơi đang diễn ra vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương. Ảnh Internet |
Thành lập năm 2005, TPP gồm 4 nước ban đầu là Brunei, Chile, Singapore và New Zealand. Vòng đàm phán mới này có thêm 4 nước là Australia, Mỹ, Peru và Việt Nam. Như vậy, cả TTP có tổng dân số 470 triệu người và tổng GDP khoảng 16.200 tỉ USD.
Một số nước khác cũng muốn tham gia TPP như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Canada và Mexico. Đây là một xu hướng lớn của thế giới, khi vòng đàm phán Doha về thương mại toàn cầu vẫn chưa có lối thoát.
Trong 1 thập kỷ qua, các hiệp định thương mại tự do đã phổ biến khắp châu Á. Nếu năm 2000 mới chỉ có ASEAN liên kết và Diễn đàn APEC, trong đó APEC là lớn nhất thì hiện nay có hơn 150 hiệp định có hiệu lực, trong đó có ít nhất 1 nước châu Á tham gia và khoảng 50 hiệp định khác như vậy đang trong thời kỳ đàm phán.
Trong số các hiệp định đó, TPP vừa độc đáo, vừa nhiều hứa hẹn vì 2 lý do. Thứ nhất là việc kêu gọi Chile, New Zealand và Singapore tự do hóa tất cả các mặt hàng (chỉ trừ một ít ngoại lệ) và thứ hai, Brunei sẽ cắt giảm thuế quan đối với 99 % các sản phẩm đồng thời TPP cũng mở cửa một cách nhanh chóng cho các thành viên mới. Đây có thể coi là một đặc điểm hiếm thấy.
Bên cạnh tiềm năng kinh tế, các hiệp định như vậy có ý nghĩa quan trọng đặc biệt ở châu Á. Trong bối cảnh khu vực này rất khó chấp nhận các thỏa thuận an ninh chung, việc xây dựng quan hệ thương mại đã trở thành “sân khấu” chính cho ảnh hưởng chính trị.
Đối với Mỹ, châu Á - Thái Bình Dương đã là một thị trường lớn vì các nền kinh tế APEC chiếm hơn 747 tỷ USD xuất khẩu trong năm 2008. Theo một nghiên cứu của Đại học Michigan, một thỏa thuận thương mại tự do châu Á - Thái Bình Dương nhiều khả năng sẽ làm tăng xuất khẩu thực tế tại Mỹ lên khoảng hơn 1%.
Ngày 1/1/2010, Hiệp định tự do thương mại ASEAN – Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực, trở thành khối thương mại lớn thứ 3 thế giới. Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Australia, Nhật Bản và Hàn Quốc khiến nhiều người lo ngại rằng Mỹ đang thay đổi các thể thức thương mại theo cách "vạch một đường phân chia xuống Thái Bình Dương".
Nhà cựu lãnh đạo của Singapore, ông Lý Quang Diệu, đã cảnh bảo rằng Mỹ đang phải đối mặt với việc bị loại trừ về kinh tế khỏi châu Á nếu không hành động sớm, khi ông đề cập đến TPP như một đường dẫn cho sự tham gia nhiều hơn.
TPP cho thấy một mô hình tăng trưởng cho cả hai bờ Thái Bình Dương, đối lập với quan điểm ủng hộ hội nhập chỉ trong nội bộ châu Á. Trung Quốc, trong khi không chối bỏ những cơ hội song phương giữa hai bờ đại dương, lại ủng hộ một mô hình khu vực trong đó không có Mỹ và Đài Loan. Tuy nhiên, nếu một mô hình chỉ riêng châu Á chiếm ưu thế thì các quốc gia phát triển hơn - như Australia, New Zealand và Singapore - có thể sẽ bị chìm ngập bởi hàng nhập khẩu giá rẻ.
Trong Thông điệp về tình trạng Liên bang hồi tháng 1/2010, Tổng thống Barack Obama đặt mục tiêu tăng gấp đôi xuất khẩu trong 5 năm tới như một cách để tạo thêm 2 triệu việc làm - nhưng đó vẫn là một mục tiêu quá cao, đặc biệt vì sự phục hồi của châu Âu có thể không theo kịp sự phục hồi ở Mỹ. Trong khi đó, châu Á - Thái Bình Dương lại là nơi mà xuất khẩu Mỹ có thể tăng đáng kể, và một khối TPP đang mở rộng chắc chắn sẽ giúp Mỹ thực hiện được mục tiêu đó.
Đúng như tên gọi của nó, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương có thể mang lại lợi ích không nhỏ cho kinh tế Mỹ.
Phương Linh