Sau 5 năm đàm phán, Hiệp định TPP đã đạt được thỏa thuận giữa 12 nước. |
Với những kết quả đàm phán đã đạt được, Hiệp định TPP sẽ là hiệp định toàn diện, chất lượng cao trên cơ sở cân bằng lợi ích và có lưu ý tới trình độ phát triển khác nhau giữa các nước tham gia Hiệp định.
“Hiệp định được kỳ vọng sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại tất cả các nước TPP như tạo việc làm, giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân; thúc đẩy sáng tạo, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh; thúc đẩy minh bạch hóa và quản trị tốt; đồng thời củng cố các tiêu chuẩn về lao động và môi trường”, thông cáo của Bộ Công Thương nêu rõ.
Riêng về việc mở cửa thị trường, các nước tham gia Hiệp định đồng ý xóa bỏ cho nhau gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình; xóa bỏ thuế xuất khẩu hoặc chỉ duy trì ở mức hạn chế, không mở rộng thêm thuế xuất khẩu trong tương lai; tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở pháp luật của nước sở tại, bảo đảm sự quản lý của Nhà nước, mở cửa đấu thầu mua sắm của các cơ quan trực thuộc Chính phủ, từ đó tạo ra cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp và lợi ích mới cho người tiêu dùng của các nước thành viên.
Trong cuộc điện thoại từ Atlanta phát sóng trên VTV trong chương trình thời sự tối 5/10, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh cho biết, các vấn đề còn tồn đọng từ vòng đàm phán ở Hawaii, như phương thức tiếp cận thị trường bơ sữa, thời gian bảo hộ độc quyền các sản phẩm thuốc sinh học, hay vấn đề về thị trường ô tô đều đã được giải quyết.
Thứ trưởng cho biết tới đây các nước sẽ tiến hành rà soát các nội dung cụ thể để công bố cho người dân và doanh nghiệp.
Trước đó, từ ngày 30/9 đến ngày 4/10/2015, Bộ trưởng phụ trách thương mại của 12 nước tham gia Hiệp định TPP gồm Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ đã họp tại Atlanta (Mỹ) để tìm đến thỏa thuận kết thúc đàm phán.
Đoàn Việt Nam tham dự hội nghị do Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng dẫn đầu cùng lãnh đạo một số bộ, ngành liên quan.
Sau một thời gian đàm phán kéo dài hơn dự kiến (5 ngày thay vì 3 ngày), các Bộ trưởng đã đạt được sự đồng thuận về tất cả vấn đề tồn tại, trong đó có những vấn đề quan trọng như: Mở cửa thị trường, sở hữu trí tuệ, các quy định về lao động, doanh nghiệp Nhà nước,… Đàm phán đã chính thức kết thúc sau hơn 5 năm.
Sau khi có hiệu lực, TPP sẽ là thỏa thuận thương mại lớn nhất mà Mỹ đàm phán thành công kể từ sau khi Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) có hiệu lực từ năm 1994. Cả 3 nước có trong NAFTA là Mỹ, Canada và Mexico đều tham gia TPP.
Phan Trang