|
Nước hồ Văn đã trở lại màu xanh-Ảnh:Chinhphu.vn |
Hồ Văn là một bộ phận quan trọng trong quần thể khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám. Tuy nhiên thời gian qua, hệ sinh thái Hồ Văn đã bị ô nhiễm nặng nề do tảo độc xuất hiện với mật độ dầy đặc, gây mùi hôi, đa dạng sinh học bị cạn kiệt, gây mất vệ sinh và mỹ quan nghiêm trọng. Nguyên nhân chính của tình trạng ô nhiễm hồ Văn là do người dân đổ rác bừa bãi, cơ quan quản lý chưa quan tâm đến việc điều tiết lượng nước ra vào hồ.
Bằng các biện pháp xử lý chất thải gây ô nhiễm, đồng thời đưa các vi sinh vật, thủy sinh vật vào hồ, Ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc quyết tâm trả lại màu xanh cho nước hồ Văn. Việc trồng và nuôi một số loại thủy sinh như thủy trúc, sung, tóc tiên, rau ngổ kết hợp nuôi cá trắm ta, cá mè, cá trôi, cá trê vừa giúp làm sạch hồ, khôi phục hệ sinh thái vừa tạo nguồn lợi thu nhập và cảnh quan giải trí cho hồ Văn.
Sau 1 năm xử lý, nước hồ Văn không còn bị nổi váng, bốc bùi khó chịu vào các ngày nắng nóng, mặt nước hồ đã có màu xanh trở lại thay vì màu đen đục như trước đây.
Theo ông Nguyễn Phú Tuân, đại diện Công ty Cổ phần Xanh, nếu người dân sống quanh hồ cũng như khách du lịch nâng cao ý thức bảo vệ cảnh quan, không xả nước thải, đổ rác bừa bãi, đồng thời Ban quản lý khu di tích Văn Miếu Quốc Tử Giám thường xuyên thay đổi lượng nước ra vào hồ 6 tháng/1 lần thì hồ Văn có thể trong sạch giữ được vẻ đẹp bền lâu.
Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ Nguyễn Văn Lạng, đồng thời là Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho rằng kết quả xử lý ô nhiễm nước hồ Văn tuy không lớn về quy mô nhưng có ý nghĩa lớn về mặt xã hội, văn hóa và công nghệ. Trước hết, xử lý ô nhiễm nước hồ Văn đã trả lại vẻ đẹp cho khu di tích lịch sử văn hóa quan trọng của Thủ đô và đất nước góp phần cùng với các công trình khác hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội. Đồng thời từ thành công của xử lý nước hồ Văn đã mở ra hướng xử lý cho hệ thống hồ, sông ngòi ô nhiễm của các địa phương khác trong cả nước.
Nguyệt Hà