Với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, Quốc hội tập trung chất vấn về việc điều hành chính sách tiền tệ nhằm kiểm soát lạm phát trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới nhiều biến động; công tác quản lý nhà nước về thị trường vàng, thị trường ngoại hối; công tác hỗ trợ vay vốn và miễn, giảm lãi suất cho người dân, doanh nghiệp để phục hồi sản xuất, kinh doanh sau dịch COVID-19 và thiên tai.
Phiên chất vấn của Quốc hội đối với Thống đốc Ngân hàng (NHNN) Nguyễn Thị Hồng đã diễn ra với nhiều câu hỏi tập trung vào những vấn đề nóng như quản lý thị trường vàng, nợ xấu, và lãi suất. Đại biểu Bùi Hoài Sơn (Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) đánh giá: "Tôi thấy đây đều là những vấn đề phức tạp, có ảnh hưởng rất lớn đến tình hình kinh tế chung của đất nước, đến doanh nghiệp và đời sống của Nhân dân. Tôi đánh giá cao phần trả lời của Thống đốc NHNN bởi sự rõ ràng, thấu đáo trong giải đáp nhiều thắc mắc từ các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước".
Dẫn chứng với câu hỏi của các đại biểu liên quan đến quản lý thị trường vàng khi nhiều ý kiến cho rằng do có nhiều bộ, ngành cùng tham gia quản lý và công tác phối hợp chưa tốt, nên hiệu quả quản lý thị trường vàng chưa cao. Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, mỗi thị trường, lĩnh vực đều có cơ quan chủ trì quản lý thống nhất và các bộ ngành tham gia. Trong việc quản lý thị trường vàng, bộ ngành cần tăng phối hợp. NHNN đã nhận được sự phối hợp từ Bộ Công an, nhất là quá trình can thiệp thị trường vàng để hỗ trợ, theo dõi quá trình triển khai tránh hành vi trục lợi, gian lận.
NHNN cũng phối hợp Bộ Công Thương, Khoa học và Công nghệ, kiểm tra doanh nghiệp mua bán vàng miếng, vàng trang sức để tổng kết khắc phục hạn chế khó khăn hiện nay.
Liên quan đến hoạt động dự trữ ngoại hối, Thống đốc NHNN cho biết, nguyên tắc là phải đảm bảo an toàn về thanh khoản. Bởi dự trữ ngoại hối để can thiệp khi đất nước gặp khó khăn. Có 3 nguyên tắc về dự trữ ngoại hối là an toàn, thanh khoản và sinh lãi. Hiện NHNN thực hiện dự trữ ngoại hối theo hướng an toàn, thanh khoản là chủ yếu. Còn sinh lãi sẽ tính toán sao cho đầu tư ngoại hối có lợi nhất cho đất nước.
Đại biểu Bùi Hoài Sơn cho rằng, những thông điệp mà Thống đốc đưa ra đã củng cố thêm niềm tin từ xã hội đối với hoạt động của hệ thống ngân hàng và thể hiện cam kết của NHNN trong việc góp phần quản lý kinh tế, tài chính đất nước.
PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng Bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, ĐH Kinh tế TPHCM đánh giá, phiên chất vấn của các đại biểu quốc hội đối với người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đúng trọng tâm, đi thẳng vào những vấn đề được dư luận quan trong thời gian vừa qua, bao gồm việc điều hành giá vàng, room tăng trưởng tín dụng, điều hành lãi suất, tỷ giá.
Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, NHNN đã làm tương đối tốt việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức. Việc vẫn duy trì lãi suất thấp nhưng vẫn phải đảm bảo tỷ giá ổn định là một thách thức rất lớn trong giai đoạn vừa qua.
Việc điều hành chính sách tiền tệ của chúng ta (giảm lãi suất) trong bối cảnh lãi suất thế giới tăng là một bước đi khá táo bạo và cần thiết, để ưu tiên cho việc hỗ trợ phục hồi kinh tế nhưng vẫn đảm bảo duy trì tỷ giá trong một biên độ cho phép và trong tầm kiểm soát. Chính vì nền kinh tế trong giai đoạn vừa qua sức cầu còn yếu và lạm phát duy trì ở mức thấp đã tạo dư địa để giúp chúng ta thực hiện chính sách ngược dòng trên, thể hiện NHNN đã nắm rõ và bắt mạch đúng hướng tình hình của nền kinh tế.
Kết quả là sau hơn 1 năm quyết tâm của toàn bộ hệ thống chính trị, điều hành của NHNN và nhất là những chỉ đạo kịp thời của Chính phủ, Việt Nam đã gặt hái được những quả ngọt trong năm 2024 với những thành tựu kinh tế đáng ghi nhận như tốc độ tăng trưởng kinh tế khả năng đạt trên 7%, lạm phát duy trì ở mức thấp, tỷ giá mặc dù chịu áp lực cao nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát.
Đối với thị trường vàng, PGS.TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, việc hạn chế cung vàng và điều hành thị trường vàng dựa trên mức công bố của NHNN và cung ứng vàng thông qua 4 ngân hàng thương mại nhà nước là phù hợp, mặc dù là giải pháp tình thế nhưng "theo tôi đây là giải pháp tốt nhất ở thời điểm hiện tại. Bởi nó sẽ hạn chế thanh khoản của việc nắm giữ vàng và cũng làm giảm nhu cầu tích trữ vàng của người dân".
Tuy nhiên, có một vấn đề tương tự như điều hành thị trường ngoại hối, đó là sẽ xảy ra tình trạng hai giá giữa giá công bố chính thức và giá giao dịch trên thị trường tự do ở những thời điểm nóng của giá vàng.
"Nhìn chung, với sự nỗ lực của NHNN và các bộ ngành liên quan, chúng ta đã gặt hái được những thành công nhất định trong thời gian qua mặc dù vẫn còn tồn tại một số hạn chế khách quan. Thành quả trên là hệ quả của sự cố gắng và tập trung của toàn bộ hệ thống chính trị cũng như sự chỉ đạo kịp thời, sát sao của Chính phủ, điều này đã giúp cho con thuyền kinh tế Việt Nam từng bước vượt qua những sóng gió thử thách trong thời gian qua và hướng tới những mục tiêu to lớn hơn trong phát triển kinh tế bền vững trong tương lai", PGS.TS Nguyễn Hữu Huân đánh giá..
Bàn về vấn đề thuốc lá điện tử sau khi nghe phiên chất vấn của các đại biểu Quốc hội vào chiều ngày 11/11, TS. Trần Bạch Hiếu, Trưởng phòng KHCN&ĐT Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển- Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử hiện nay ngày càng gia tăng, nhất là đối với giới trẻ. Điều này gây ra rất nhiều hệ lụy đối với sức khỏe người dân cũng như các vấn đề nan giải khác của xã hội.
Trong buổi chiều ngày 11/11, các đại biểu quốc hội đã chất vấn nhiều vấn đề về các khía cạnh và nhiều nội dung khác nhau liên quan đến lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Trong đó, nội dung về thuốc lá điện tử, đây là vấn đề được các địa biểu quốc hội cũng như toàn xã hội rất quan tâm.
Theo TS. Trần Bạch Hiếu, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có một giải trình rất rõ ràng và đã có những minh chứng rất sinh động, thuyết phục khi Bộ trưởng mang theo cả những sản phẩm thuốc lá điện tử với nhiều mẫu mã trông không khác gì một món đồ chơi, hình thức rất bắt mắt và thu hút, nhất là đối với giới trẻ. Nếu nhìn qua thì không ai nghĩ đó là thuốc lá điện tử hay thuốc lá nung nóng mà nó như một món đồ chơi của các bạn trẻ. Có thể thấy thuốc lá điện tử hiện đang thu hút rất lớn giới trẻ sử dụng, thậm chí như một trào lưu nhưng khi đã "dính" vào là không thể thoát.
Tác hại của thuốc lá điện tử là vô cùng nguy hiểm vì chứa lượng nicotine không kém gì thuốc lá truyền thống. Nicotine gây hại cho sự phát triển não bộ ở trẻ em, gây suy giảm trí nhớ, làm giảm lưu lượng máu, gây ra nguy cơ đau thắt ngực, suy tim, đột quỵ… Việc dùng thuốc lá điện tử cực kỳ nguy hại đến sức khỏe cá nhân mỗi người sử dụng cũng như cả một cộng đồng từ người hút đến người xung quanh. Có thể thấy đây là một vấn đề hết sức quan ngại về lâu dài sẽ làm hủy hoại đi cả một thế hệ và tạo ra những "tấm gương xấu" cho những thế hệ kế cận.
Giải pháp như các đại biểu quốc hội đưa ra về việc nhân rộng mô hình cai nghiện thuốc lá chỉ là một quan điểm, một trong những ý kiến trong hệ thống các giải pháp để có thể xử lý các vấn đề về thuốc lá điện tử và tác hại của thuốc lá điện tử.
Việc quản lý ngay từ đầu vào của thuốc lá điện tử bằng các chế tài, bằng quy định của pháp luật để kiểm soát là rất cần thiết và nên làm sớm. Quy định cần sửa đổi thêm để thích ứng với yêu cầu của thực tiễn để việc phòng, chống tác hại của thuốc lá thực sự hiệu quả.
Ngoài chế tài, quy định pháp luật để ngăn chặn ngay từ đầu vào của thuốc lá điện tử, cần phải đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền từ các cấp, các ngành; đồng thời cần phải đẩy mạnh vai trò của nhà trường, của gia đình, của xã hội trong việc kiểm soát các hành vi, hành động không hợp với văn hóa, đạo đức, pháp luật của con em trong gia đình đối với việc sử dụng chất cấm.
TS. Trần Bạch Hiếu cho rằng, Bộ trưởng Bộ Y tế cũng đã rất chia sẻ giải pháp nhân rộng mô hình cai nghiện thuốc lá nhưng cần phải có giải pháp mang tính chất đồng bộ mang tính xuyên suốt và lâu dài, đó là cả một quá trình cần sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị đến người dân.
Mai Anh - Việt Hà - Thiện Tâm- Mạnh Hùng