Theo ông Được phản ánh, hiện nay do thời điểm lập biểu khác nhau giữa Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH và Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH khi xác định chế độ đối với người lao động dôi dư khi doanh nghiệp cổ phần hóa nên có cách hiểu khác nhau khi lập dự toán kinh phí dôi dư cũng như khi tính toán chế độ cho lao động dôi dư như sau:
- Việc xin ý kiến Hội nghị người lao động, cũng như việc phê duyệt dự toán kinh phí dôi dư và quyết toán kinh phí dôi dư trong phương án sử dụng lao động sẽ căn cứ theo số lao động dôi dư tại thời điểm nào? Thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp theo mẫu 10 của Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH hay tại Bước 4 Phụ lục I Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH với danh sách lao động dôi dư tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp?
- Khi xin ý kiến Hội nghị người lao động, cũng như việc phê duyệt dự toán kinh phí dôi dư và quyết toán kinh phí dôi dư trong phương án sử dụng lao động thì việc xác định thời gian đóng BHXH làm tròn (cột 5) cũng như xác định số năm về hưu trước tuổi (cột 7) tại Mẫu biểu 6 của Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH là được tính đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp hay thời điểm có thông báo kế hoạch cổ phần hóa hay tính đến thời điểm người lao động dôi dư nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động như quy định tại Bước 4 của Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH? Hiện cột 6 mức lương tháng bình quân của 5 năm cuối trước khi nghỉ việc đang được xác định là đến thời điểm dự kiến chấm dứt hợp đồng lao động như quy định tại Bước 4 của Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH có đúng không?
- Khi xin ý kiến Hội nghị người lao động, cũng như việc phê duyệt dự toán kinh phí dôi dư và quyết toán kinh phí dôi dư trong phương án sử dụng lao động thì việc xác định thời gian làm việc, thời gian để tính trợ cấp mất việc làm (từ cột 2 đến cột 13), tiền lương bình quân (cột 15), mức hỗ trợ theo tháng lương cơ sở (cột 17) tại Mẫu biểu 7 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH được tính đến thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp hay thời điểm có thông báo kế hoạch cổ phần hóa hay tính đến thời điểm người lao động dôi dư nghỉ việc chấm dứt hợp đồng lao động như quy định tại Bước 4 Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH?
Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:
Thời điểm chốt danh sách lao động
Nghị định số 63/2015/NĐ-CP ngày 22/7/2015 của Chính phủ quy định chính sách đối với người lao động dôi dư trong công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu thực hiện sắp xếp lại theo phương án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bao gồm: cổ phần hóa, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hai thành viên trở lên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản.
Trên cơ sở đó, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH ngày 22/10/2015 hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 63/2015/NĐ-CP nêu trên.
Ngày 16/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP quy định chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH ngày 1/8/2018 hướng dẫn xây dựng phương án sử dụng lao động và thực hiện chính sách đối với người lao động khi cổ phần hóa quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP nêu trên.
Như vậy, khi thực hiện chuyển công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần thì việc xây dựng phương án sử dụng lao động, thực hiện chính sách đối với người lao động được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên.
Trường hợp trong phương án sử dụng lao động có danh sách người lao động, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp cổ phần hóa chuyên trách tại doanh nghiệp khác không thể bố trí được việc làm và phải chấm dứt hợp đồng lao động thì việc tính toán và giải quyết chế độ đối với người lao động dôi dư được thực hiện quy định tại Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên.
Căn cứ quy định tại Điều 43, Nghị định số 126/2017/NĐ-CP và Điều 3, Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên thì thời điểm chốt danh sách lao động tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
Thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động
Căn cứ Điều 3 và Điều 4 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Khoản 6, Điều 3 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH nêu trên thì doanh nghiệp cổ phần hóa căn cứ vào kế hoạch cổ phần hóa để xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động và tính toán chế độ đối với người lao động dôi dư. Thời gian làm việc để tính chế độ đối với người lao động dôi dư quy định tại Điều 6 Nghị định số 63/2015/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH được tính đến thời điểm chấm dứt hợp đồng.
Chế độ người lao động dôi dư khi doanh nghiệp cổ phần hóa
Căn cứ Điều 3 Thông tư số 44/2015/TT-BLĐTBXH và Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 07/2018/TT-BLĐTBXH nêu trên thì chỉ quy định doanh nghiệp cổ phần hóa công khai, minh bạch phương án sử dụng lao động tại Hội nghị người lao động (không quy định doanh nghiệp cổ phần hóa phải tổ chức hai Hội nghị người lao động).
Đề nghị ông căn cứ các quy định nêu trên để xây dựng phương án sử dụng lao động, xác định thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động, tính toán chế độ đối với người lao động dôi dư khi doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.
Chinhphu.vn