In bài viết

Trách nhiệm của DN bảo hiểm khi xảy ra tai nạn xe cơ giới?

(Chinhphu.vn) - Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm.

30/09/2021 08:20

Ông Ngô Mạnh đề nghị cơ quan chức năng giải đáp trường hợp sau: Xe ô tô A tham gia bảo hiểm trách nhiệm dân sự (TNDS) bắt buộc của Công ty V, xe ô tô B tham gia bảo hiểm TNDS bắt buộc của công ty P. Vào ngày 15/1/2021 hai xe ô tô xảy ra tai nạn đâm va với nhau dẫn tới hư hỏng cho cả hai phương tiện, vụ tai nạn được cơ quan công an giải quyết và kết luận lỗi trong vụ tai nạn trên là lỗi hỗn hợp (lỗi do cả hai xe ô tô A và B).

Trong biên bản giải quyết tai nạn giao thông có ghi nhận thỏa thuận dân sự của các bên liên quan như sau: Các bên liên quan bên nào bên đó tự khắc phục thiệt hại do vụ tai nạn giao thông gây ra, không bên nào yêu cầu ai bồi thường gì.

- Theo Điểm 3.b Điều 13 của Thông tư 22/2016/TT-BTC: Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm. Như vậy có thể hiểu nếu giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc của xe A thì sẽ là: (Thiệt hại xe B x Mức độ lỗi của xe A) = Số tiền bồi thường, và giải quyết ngược lại đối với xe B.

- Theo Điểm 1 Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm: Điều 53. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm 1. Trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm chỉ phát sinh nếu người thứ ba yêu cầu người được bảo hiểm bồi thường thiệt hại do lỗi của người đó gây ra cho người thứ ba trong thời hạn bảo hiểm.

Theo Biên bản giải quyết tai nạn của cơ quan công an đã lập, các bên liên quan không bên nào yêu cầu ai bồi thường gì.

Ông Ngô Mạnh hỏi, theo Điều 53 Luật Kinh doanh bảo hiểm thì không phát sinh trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, vậy trong trường hợp nêu trên thì doanh nghiệp bảo hiểm có phải giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc cho các chủ xe ô tô A, B hay không ? Trong trường hợp chủ xe A, B có khiếu nại yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm giải quyết bồi thường TNDS bắt buộc thì sẽ giải quyết thế nào?

 Về vấn đề này, Bộ Tài chính có ý kiến như sau:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 22/2016/TT-BTC ngày 16/2/2016 của Bộ Tài chính quy định Quy tắc, điều khoản, biểu phí và mức trách nhiệm bảo hiểm bắt buộc TNDS của chủ xe cơ giới: “1. Thiệt hại ngoài hợp đồng về thân thể, tính mạng và tài sản đối với bên thứ ba do xe cơ giới gây ra”.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 9 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: “Mức trách nhiệm bảo hiểm là số tiền tối đa doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về thân thể, tính mạng và tài sản của bên thứ ba và hành khách do xe cơ giới gây ra trong mỗi vụ tai nạn xảy ra thuộc phạm vi trách nhiệm bảo hiểm. Cụ thể như sau:

3. Mức trách nhiệm bảo hiểm đối với thiệt hại về tài sản do xe ô tô... gây ra là 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn”.

­Theo quy định tại khoản 1, khoản 4 Điều 11 Thông tư số 22/2016/TT-BTC:

“1. Khi xảy ra tai nạn, doanh nghiệp bảo hiểm hoặc người được doanh nghiệp bảo hiểm ủy quyền phải phối hợp chặt chẽ với chủ xe cơ giới, bên thứ ba hoặc người đại diện hợp pháp của các bên liên quan thực hiện việc giám định tổn thất để xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất...

4. Trong trường hợp đặc biệt không thể thực hiện được việc giám định, thì doanh nghiệp bảo hiểm được căn cứ vào các biên bản, kết luận của các cơ quan chức năng có thẩm quyền và các tài liệu liên quan để xác định nguyên nhân và mức độ thiệt hại”.

Theo quy định tại khoản 1, điểm b khoản 3 và khoản 4 Điều 13 Thông tư số 22/2016/TT-BTC:

“1. Khi tai nạn xảy ra, trong phạm vi mức trách nhiệm bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải bồi thường cho chủ xe cơ giới số tiền mà chủ xe cơ giới đã bồi thường hoặc sẽ phải bồi thường cho người bị thiệt hại.

...3. Mức bồi thường bảo hiểm:

b) Mức bồi thường cụ thể đối với thiệt hại về tài sản/1 vụ tai nạn được xác định theo thiệt hại thực tế và theo mức độ lỗi của chủ xe cơ giới nhưng không vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm.

4. Doanh nghiệp bảo hiểm không có trách nhiệm bồi thường phần vượt quá mức trách nhiệm bảo hiểm theo quy định tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này”.

Theo quy định tại Điều 20 Thông tư số 22/2016/TT-BTC: “Mọi tranh chấp phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, nếu không giải quyết được bằng thương lượng giữa các bên liên quan sẽ được đưa ra Tòa án tại Việt Nam giải quyết”.

Chinhphu.vn