In bài viết

Trách nhiệm giải quyết chế độ thai sản

(Chinhphu) - Bà Ngô Thị Minh Huyền ( minhhuyentd@ ...) nghỉ việc tại công ty từ ngày 26/12/2012, đã đóng BHXH đến hết tháng 12/2012, sinh con ngày 3/1/2013. Công ty cho biết bà được hưởng chế độ thai sản 4 tháng, nhưng cho đến nay bà chưa được hưởng chế độ.

31/05/2013 08:20

Bà Huyền hỏi, đơn vị nào chịu trách nhiệm thanh toán khoản tiền thai sản cho bà? Trường hợp của bà có được hưởng chế độ thai sản 6 tháng theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012 không?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư Hà Nội trả lời câu hỏi của bà Huyền như sau:

Điều kiện hưởng chế độ

Điều kiện hưởng chế độ thai sản được quy định tại khoản 2, Điều 28 Luật BHXH, quy định chi tiết khoản 1, Điều 14 Nghị định 152/2006/NĐ-CP và hướng dẫn tại điểm 1, Mục II Thông tư số 03/2007/TT-BLĐTBXH như sau:

Lao động nữ sinh con phải đóng BHXH từ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp sinh con trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh con không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp sinh con  từ ngày 15 trở đi của tháng, thì tháng sinh con được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

Trường hợp bà Ngô Thị Minh Huyền sinh con vào ngày 3/1/2013, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 1/2012 đến tháng 12/2012, nếu trong khoảng thời gian này bà Huyền đã đóng BHXH từ đủ 6 tháng trở lên thì bà được hưởng chế độ thai sản.

Thời gian hưởng chế độ

Do thông tin bà Huyền cung cấp là bà đã nghỉ việc tại công ty từ ngày 26/12/2012 có thể hiểu theo 2 nghĩa, với hai trường hợp khác nhau:

Một là, trường hợp nghỉ việc để sinh con (không chấm dứt quan hệ lao động).

Hai là, trường hợp nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động với công ty. Do vậy có hai tình huống để bà đối chiếu:

- Trường hợp bà Huyền nghỉ việc để sinh con (không chấm dứt quan hệ lao động): Theo hướng dẫn tại điểm 3.2, mục 3 Công văn số 1477/BHXH-CSXH ngày 23/4/2013 của BHXH Việt Nam, lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày 1/5/2013, mà đến ngày 1/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện như nêu tại khoản 1, Điều 157 Bộ Luật lao động năm 2012.

Theo đó, nếu bà Huyền nghỉ việc để sinh con từ ngày 26/12/2012, ngày 3/1/2013 bà Huyền sinh 1 con, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày 26/12/2012 đến hết ngày 25/4/2013 (4 tháng). Từ ngày 26/4/2013, bà Huyền hết thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên không thuộc đối tượng được thực hiện thời gian hưởng chế độ thai sản 6 tháng theo quy định của Bộ Luật lao động năm 2012.

- Trường hợp sinh con sau khi đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động với công ty:

Tại tiết a, điểm 3.3, mục 3 Công văn số 1477/BHXH-CSXH hướng dẫn: Thời gian tính hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con được tính kể từ ngày lao động nữ thực tế nghỉ việc để sinh con theo quy định của Bộ Luật lao động. Trường hợp nghỉ việc trước khi sinh con hơn 2 tháng thì được tính từ thời điểm đủ 2 tháng trước khi sinh con. Trường hợp sinh con sau khi lao động nữ đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động thì thời gian tính hưởng kể từ ngày sinh con.

Theo đó, nếu bà Huyền đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động với công ty từ ngày 26/12/2012, đến ngày 3/1/2013 bà Huyền sinh 1 con, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày 3/1/2013 đến hết ngày 2/5/2013 (4 tháng). Đến ngày 1/5/2013, bà Huyền vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên bà được tiếp tục nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến hết ngày 2/7/2013 (tổng cộng thời gian hưởng chế độ thai sản là 6 tháng).

Trách nhiệm giải quyết

- Trường hợp bà Huyền chưa thôi việc, đang có quan hệ lao động với công ty, căn cứ quy định tại Điều 113 và Điều 117 Luật BHXH bà Huyền cần nộp bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con cho công ty, để công ty lập hồ sơ hưởng chế độ thai sản.

Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ giấy tờ hợp lệ có liên quan từ bà Huyền, công ty có trách nhiệm giải quyết chế độ thai sản cho bà.

Tổ chức BHXH có trách nhiệm quyết toán trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ; trường hợp không quyết toán thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

- Trường hợp bà Huyền sinh con sau khi đã thôi việc, không còn quan hệ lao động với công ty, căn cứ khoản 2, Điều 53, Nghị định số 152/2006/NĐ-CP, bà Huyền phải lập hồ sơ gồm: Sổ BHXH đã được xác nhận bảo lưu thời gian đóng BHXH, Bản sao Giấy chứng sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh của con đến BHXH cấp huyện nơi bà thường trú hoặc tạm trú để nhận chế độ thai sản. BHXH có trách nhiệm thanh toán chế độ thanh sản cho bà trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.

Luật sư Lê Văn Đài

VPLS Khánh Hưng – Đoàn Luật sư Hà Nội

* Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo với người đọc, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật.