In bài viết

'Trái ngọt' từ dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác vùng khó khăn

(Chinhphu.vn) – Cùng với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực tuyến y tế cơ sở như đề án bệnh viện vệ tinh, đề án luân phiên bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến cơ sở…, dự án đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại vùng khó khăn (Dự án 585) của Bộ Y tế đã và đang phát huy hiệu quả, mở hướng giải bài toán khó về đào tạo, nâng cao chất lượng nhân lực y tế tuyến cơ sở.

26/05/2020 10:39

Theo ông Phạm Văn Tác, Giám đốc Dự án 585, thời gian tới, tất cả các bác sĩ tham gia dự án đều phải học chuyên khoa hồi sức cấp cứu.Ảnh: VGP/Thúy Hà

Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn (ưu tiên 62 huyện nghèo)
của Bộ Y tế, đã và đang đào tạo cho 354 bác sĩ trẻ chuyên khoa I thuộc 10 chuyên ngành: nội, ngoại, sản, nhi, chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm, gây mê hồi sức, hồi sức cấp cứu, truyền nhiễm và y học cổ truyền. Trong đó có 310 bác sĩ tại chỗ (bác sĩ của địa phương tham gia dự án) và 44 bác sĩ đã được biên chế tại các bệnh viện Trung ương (theo Dự án).

Trái ngọt trên non!

Đến thời điểm này, 151/354 bác sĩ chuyên khoa I của Dự án đã chính thức nhận nhiệm vụ tại 51 huyện nghèo thuộc 19 tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên nước ta. 195 bác sĩ đang tiếp tục được đào tạo bác sĩ chuyên khoa I.  8 bác sĩ thuộc các bệnh viện: Bạch Mai, Nhi Trung ương, Nội tiết, Phụ sản Trung ương đã hoàn thành nhiệm vụ công tác tại địa phương trong thời gian 2 năm đối với nữ và 3 năm đối với nam.

Sơn La là một trong những địa phương có số bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác nhiều nhất, với 26 người. Riêng huyện Quỳnh Nhai có 7 bác sĩ trẻ trong Dự án về công tác, trong đó có 1 bác sĩ của Bệnh viện K Trung ương, 1 bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Thái Nguyên và 5 bác sĩ của bệnh viện Đa khoa huyện đủ điều kiện tham gia dự án. Hiện tại, bệnh viện đã tiếp nhận 1 bác sĩ chuyên khoa I về chuyên ngành Ngoại, 1 bác sĩ chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh.

Bác sĩ trẻ chuyên khoa I về chẩn đoán hình ảnh Đàm Thanh Huyền, tình nguyện về công tác tại Bệnh viện đa khoa huyện Quỳnh Nhai chia sẻ, mỗi ngày, bệnh viện tiếp nhận khoảng 100 bệnh nhân thăm khám liên quan đến chẩn đoán hình ảnh. Trong hơn 1 năm công tác vừa qua, bản thân bác sĩ Huyền đã thực hiện được 133 kỹ thuật, chuyển giao cho bệnh viện nhiều kỹ thuật như: Siêu âm hạch, tuyến vú, tinh hoàn, mạch máu, khối u, chọc hút nang giáp dưới kỹ thuật siêu âm… Đặc biệt, bác sĩ Huyền được không ít người dân vùng cao huyện Quỳnh Nhai (đồng bào trong huyện chiếm 80% là người dân tộc Thái) biết đến và vui mừng khi biết thông tin bác sĩ mong muốn công tác lâu dài tại bệnh viện.

BS trẻ Đàm Thanh Huyền, có mong muốn công tác lâu dài tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La. Ảnh:VGP/Thúy Hà

Công tác cùng bệnh viện với bác sĩ Huyền, bác sĩ trẻ chuyên khoa I Ngoại Trần Hữu Cảnh cũng chia sẻ thực hiện theo phân tuyến được 16 kỹ thuật, chuyển giao 7 kỹ thuật mới cho bệnh viện. Đặc biệt, trong thời gian ngắn công tác tại bệnh viện, bác sĩ đã chẩn đoán đúng và điều trị thành công cho bệnh nhân mắc viêm phúc mạc nguyên phát. Đây là một kỹ thuật khó nhưng đã được các bác sĩ thực hiện thành công tại bệnh viện tuyến huyện.

Theo bác sĩ La Thị Yêu, Giám đốc bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai, từ khi tiếp nhận bác sĩ trẻ về bệnh viện công tác (tháng 2/2019), việc triển khai chuyên môn về chẩn đoán hình ảnh như X - quang của bệnh viện tăng 26%, siêu âm tăng 30% so với trước khi có bác sĩ đến tăng cường. Bệnh viện cũng đã triển khai được 6 kỹ thuật mới về chẩn đoán hình ảnh từ bác sĩ trẻ chuyển giao. Bác sĩ chuyên khoa Ngoại về công tác tại bệnh viện cũng đã tham gia gây mê hồi sức, mổ cấp cứu, mổ phiên nhiều ca bệnh…

Bác sĩ Phạm Văn Quân, Phó Giám đốc bệnh viện K Trung ương – đơn vị tuyển dụng bác sĩ trẻ trước khi về địa phương công tác, cũng chia sẻ, thời gian gần 1 năm bác sĩ Trần Hữu Cảnh về công tác tại bệnh viện Đa khoa huyện Quỳnh Nhai chưa dài, nhưng chừng ấy thời gian vừa phải làm quen môi trường mới, khó khăn trong giao tiếp với đồng bào dân tộc mà bác sĩ vẫn cố gắng thực hiện thành công và hiệu quả bước đầu những kỹ thuật đã học. Đây là những tín hiệu rất mừng và quan trọng đối với bác sĩ Cảnh.

Để các bác sĩ trẻ phát huy được tối đa khả năng, bác sĩ Phạm Văn Quân đề nghị ngành y tế và UBND địa phương tiếp tục quan tâm và đầu tư cơ sở trang thiết bị y tế cho các bệnh viện tuyến cơ sở. Đồng thời, các bệnh viện cũng cần có kế hoạch cụ thể ưu tiên kỹ thuật nào phù hợp với mô hình bệnh tật của địa phương để các bác sĩ trẻ chủ động chuyển giao. Bệnh viện K luôn sẵn sàng và sát cánh với các bác sĩ trẻ về chuyên môn khi công tác tại địa phương.

Đến thời điểm này, 151/354 bác sĩ chuyên khoa I của Dự án đã chính thức nhận nhiệm vụ tại 51  huyện nghèo thuộc 19 tỉnh, thành trên cả nước. Ảnh: VGP/Thúy Hà 

Mở hướng giải bài toán về nhân lực tuyến y tế cơ sở

Bà Nguyễn Thị Kim An, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Sơn La cho biết, toàn tỉnh hiện có 80% trạm y tế xã có bác sĩ. Trình độ đại học y dược chính quy còn hạn chế, toàn tỉnh chưa có bác sĩ chuyên khoa I về gây mê hồi sức, nhiều bệnh viện vẫn thiếu trang thiết bị y tế… Đáp ứng điều kiện của Dự án 585 của Bộ Y tế, tỉnh Sơn La có 26 bác sĩ trẻ đào tạo theo Dự án về công tác. Hiện tại, tỉnh mới tiếp nhận 4 bác sĩ trẻ ở Trung ương về công tác, trong đó ở huyện Quỳnh Nhai có 3 bác sĩ và Bệnh viện đa khoa huyện Sốp Cộp có 1 bác sĩ.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Sơn La mong muốn và đề nghị Dự án tiếp tục triển khai đào tạo chất lượng bác sĩ nhằm hỗ trợ người dân địa phương được tiếp cận những kỹ thuật cao trong chăm sóc sức khỏe. Ngành y tế tỉnh sẽ sẵn sàng có cơ chế mạnh hơn để hỗ trợ các bác sĩ trẻ sau khi đi học về được công tác tại môi trường làm việc có đầy đủ trang thiết bị, được phát huy tối đa khả năng trong chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân.

Theo ông Phạm Văn Tác, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và đào tạo, Bộ Y tế, Giám đốc Dự án 585, nhu cầu về nhân lực y tế chất lượng cao tại tuyến y tế cơ sở của tỉnh Sơn La cũng là nhu cầu của tuyến y tế cơ sở trên cả nước. Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Nghị quyết số 20-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.

“Nhu cầu này càng thể hiện rõ trong giai đoạn phòng, chống dịch bệnh như dịch COVID-19 vừa qua. Nếu có đủ bác sĩ, trang thiết bị y tế, cơ sở vật chất tại chỗ, khi có dịch bệnh xảy ra và phải cách ly, d điều trị, chúng ta vẫn có thể hoàn toàn chủ động”, ông Phạm Văn Tác chia sẻ.

Ghi nhận ý kiến của các bác sĩ trẻ và bệnh viện cơ sở, ông Phạm Văn Tác cũng cho biết, tới đây, Dự án sẽ có một số thay đổi, trong đó có thay đổi về đào tạo. Đó là tất cả các chuyên khoa đều phải học hồi sức cấp cứu, vì thực tế nhiều trường hợp cho thấy, trong ca trực của các bác sĩ trẻ, khi có bệnh nhân cấp cứu, các bác sĩ không có chuyên ngành hồi sức cấp cứu đều rất lúng túng khi xử lý, thậm chí không thể thực hiện được. Chứng chỉ hành nghề tới đây cũng sẽ có những thay đổi để tạo điều kiện thuận lợi cho các bác sĩ thực hiện chuyên môn.

Cùng với nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nhân lực tuyến y tế cơ sở như đề án bệnh viện vệ tinh, đề án luân phiên bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến cơ sở…, Dự án 585 được kỳ vọng sẽ là tiền đề của nhiệm vụ thực hiện Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, sẽ có khoảng 2.700 cán bộ y tế chuyên sâu, trình độ cao về công tác lâu dài tại tuyến y tế cơ sở, trong đó có cả điều dưỡng, kỹ thuật viên. Trước hết, Đề án sẽ ưu tiên chuyên ngành hồi sức cấp cứu và nhi. Giai đoạn 2025-2030, Đề án đặt mục tiêu sẽ có thêm khoảng 1.800 cán bộ y tế về cơ sở công tác.

Thúy Hà