![]() |
Phủ Tây Hồ |
Chuyện kể rằng: Sau khi về kinh đô vừa mới được thu hồi từ tay nhà Mạc, Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan - em cùng mẹ khác cha với Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm - rủ hai bạn thơ là Cử nhân Ngô Tường Sinh và Tú tài Lý Hạ cùng nhau đi chơi Tây Hồ. Ba người tha thẩn đến một quán rượu ngay ven hồ, đơn sơ nhưng thơ mộng, trên cửa thấy đề bốn chữ lớn: Tây Hồ phong nguyệt. Ba người lần lượt bước vào quán, thoạt nhìn lên tường thấy có dán một bài thơ tứ tuyệt nét mực còn tươi, chữ viết đẹp như rồng bay, phượng múa:
Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt,
Thời chính nhân bàng lập thổ khuê,
Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối,
Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề.
Dịch:
Cửa quán là đây trăng sáng soi,
Bên mành ai đứng đợi chờ ai,
Khách đến ba người thừa đội nguyệt,
Một cây huệ mọc giữa hai ngài.
Phùng Khắc Khoan đọc xong giả vờ đang suy nghĩ trầm ngâm, Tú tài họ Lý thấy vậy, liền nhanh nhẩu giải thích:
- Hai quan bác lại khiêm tốn quá rồi! Chủ nhân đây rõ định chơi đùa với chúng ta theo lối chiết tự.
“Điếm phương môn nội chiếu minh nguyệt” chữ “môn” ở bên trong có trăng sáng chiếu (chiếu minh nguyệt) là chữ nhàn. “Điếm môn nhàn” là “quán đương vắng”.
“Thời chính nhân bàng lập thổ khuê” chữ “nhân” bên cạnh dựng chữ “khuê” là chữ “giai”. “Thời chính giai” là “Thời tiết đẹp”.
“Khách hữu tam tinh câu nguyệt đối”, chữ tam, tam tinh là ba chấm, câu nguyệt là nét móc câu của chữ Tâm (một vầng trăng khuyết, ba sao giữa trời), “Khách hữu tâm” là “khách có lòng”.
“Huệ nhiên nhất mộc lưỡng nhân đề”, một chữ “mộc” là có hai chữ “nhân” đè lên sẽ thành chữ “lai”, “Huệ nhiên lai” là “mời vào chơi”.
Cả bài thơ tựu trung lại chỉ là: “Điếm môn nhàn. Thời chính giai. Khách hữu tâm. Huệ nhiên lai” (Quán đương vắng. Thời tiết đẹp. Khách có lòng. Mời vào chơi).
Ba người gật gù khen giỏi. Ngay lúc ba người đang trầm trồ tán thưởng thì bỗng có một cô hầu gái xinh đẹp bâng đến một khay rượu, ở trên bày ba cái chén, một ve rượu kèm theo một tờ danh thiếp, nhẹ nhàng đặt xuống mặt bàn, nhỏ nhẹ mời ba thi nhân nhấp chén, rồi nhanh nhẹn rút lui vào sau song cửa, Phùng Khắc Khoan cầm chiếc thiếp, đọc xong rồi đưa cho hai bạn. Trên thiếp ba người thấy rõ một câu thơ:
Tây Hồ biệt chiếm nhất hồ thiên
(Tây Hồ riêng chiếm một bầu trời)
Ba nhà thơ hiểu ngay ý của chủ nhân đưa câu thơ trên là muốn mở đầu cho một bài thơ liên cú viết về Hồ Tây để thử tài họ nên họ rất hào hứng, vừa nhấp rượu vừa lần lượt mỗi người hai câu, người này nối tiếp người kia, chẳng mấy chốc đã có ngay một bài dài. Gần đến đoạn kết bỗng từ phía sau song cửa vang lên một câu thơ trong trẻo phát ra từ giọng một người con gái trẻ:
Đắc nguyệt ưng tri ngã thị tiên
(Trăng tròn soi một bóng tiên thôi)
Ba nhà thơ không bảo nhau nhưng cùng một lúc đập nhẹ tay xuống bàn khen hay. Họ gặp người hầu gái, nói xin được gặp chủ nhân nhưng người hầu gái trước sau một mực thưa: Liễu chủ nhân của cô có việc bận xin được cáo lỗi.
Ngồi thêm một lúc, ba người đành ra về trong nỗi day dứt băn khoăn.
Mấy ngày sau, Phùng Khắc Khoan và hai ông bạn họ Ngô, họ Lý lại rủ nhau đến thăm quán. Nhưng khi đến nơi thì quán cũ đã không còn, chỉ còn thấy trên thân cây bên quán cũ một bài thơ ai dán sẵn:
Vân tác ý thường phong tác xa,
Tiên du Đâu Suất mộ yên hà,
Thế nhân dục thức ngô danh tính,
Nhất đại sơn nhân Ngọc Quỳnh Hoa.
Ngô và Lý hỏi Phùng Khắc Khoan về ý nghĩa bài thơ. Phùng Khắc Khoan trầm ngâm một lúc rồi buồn bã trả lời:
- Ba câu đầu của bài thơ, ý tứ rõ ràng chắc hai quan bác không có gì bận nghĩ. “Lấy mây làm xiêm áo, lấy gió làm xe. Sáng đi chơi Đâu Suất, chiều ngao du mây khói. Người đời ai muốn biết họ tên ta”, đến đó luận theo kiểu chiết tự: chữ nhất ghép với chữ đại sẽ thành chữ thiên; chữ sơn ghép với chữ nhân sẽ thành chữ tiên. Câu cuối cùng trở thành Thiên tiên Ngọc Quỳnh Hoa (Ta là Ngọc Quỳnh Hoa tiên nữ nhà trời).
Nói tới đó, Phùng Khắc Khoan dừng lại một lúc, rồi bùi ngùi kể cho hai người bạn nghe những kỷ niệm về cuộc gặp gỡ kỳ thú với tiên Liễu Hạnh trước đây trên Xứ Lạng, nơi mà sau lần gặp đó ông đã cho xây chùa để tưởng niệm. Cả ba ngẩn ngơ luận rằng tiên Quỳnh Hoa chính là người hầu gái xinh đẹp hôm nọ gặp. Họ thơ thẩn trên nền quán cũ một hồi lâu rồi ai trở về nhà người ấy trong nỗi nhớ tiếc miên man.
Và tương truyền rằng sau đó chính Phùng Khắc Khoan đã cho dựng lên trên nền đất cũ Tây Hồ phong nguyệt ngôi đền thờ Chúa Liễu Hạnh (tên khác của tiên Quỳnh Hoa), để ghi lại kỷ niệm lần thứ hai gặp bà ngay bên bờ Tây Hồ xinh đẹp, cảnh quan thơ mộng của kinh thành Đông Kinh. Ngôi đền đó qua nhiều lần trùng tu nay chính là Phủ Tây Hồ trên bán đảo Tây Hồ thuộc Phường Quảng An, Quận Tây Hồ, Hà Nội.
Câu chuyện Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan gặp tiên Quỳnh Hoa còn có người kể cách khác: Trạng Bùng và hai bạn thơ, Cử nhân họ Ngô và Tú tài họ Lý, một tối bơi thuyền ngắm trăng trên Tây Hồ, bỗng gặp một cô gái xinh xắn đi đánh cá trên một chiếc thuyền nhỏ. Ba người hỏi chuyện và cùng cô gái xướng họa làm thơ theo kiểu liên ngâm. Ngâm vịnh xong, ba người mời cô gái vào bờ, định đến một chiếc quán nhỏ ven hồ để tiếp tục đàm đạo. Khi hai thuyền đang cùng tiến vào bờ, đi ngang qua một vùng lau sậy um tùm, sương mù dày đặc thì bỗng thuyền cô gái quay ngang và biến mất. Ba người ép thuyền vào bờ, ngơ ngác tìm kiếm khắp các phía, bỗng thấy một cụ già xách ba con cá đi qua rồi biến nhanh vào trong xóm. Ngay lúc đó từ trên trời có một tờ giấy màu hồng rơi xuống. Ba người nhặt lên, soi dưới ánh trăng, thấy rõ trong tờ giấy có một bài thơ chữ viết rất đẹp, nét mực như chưa khô, lời thơ giống như câu chuyện kể phía trên.
Chuyện Trạng Bùng gặp tiên Quỳnh Hoa có hai cách kể khác nhau, tiểu dị mà đại đồng tuy mang tính thần thoại hoang đường nhưng lại gắn với người thực việc thực khiến cho người nghe dễ lâm vào trạng thái mơ màng thực thực, hư hư.
Trích Tổng tập Nghìn năm văn hiến Thăng Long