Các tham luận tại diễn đàn đã chia sẻ về chính sách, pháp luật và công nghệ xử lý chất thải chăn nuôi hiệu quả cũng như cơ hội tiếp cận tài chính trong tăng trưởng xanh phát triển nông nghiệp bền vững.
Nhận định về hiện trạng phát triển ngành chăn nuôi và tiềm năng phát triển khí sinh học tại Việt Nam, một số ý kiến đề nghị cần tăng cường đối thoại chính sách và công nghệ trong quản lý môi trường ngành chăn nuôi theo hướng nông nghiệp tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính và chuyển dịch năng lượng.
Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến, bên cạnh đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp, đảm bảo sinh kế của hàng triệu nông dân, ngành chăn nuôi gặp không ít thách thức trong việc bảo vệ môi trường và giảm phát thải khí nhà kính. Ước tính mỗi năm, ngành chăn nuôi có khoảng 61 triệu tấn chất thải từ chăn nuôi và trên 304 triệu mét khối nước thải chăn nuôi được thải ra từ các loại vật nuôi, nếu chất thải chăn nuôi không được kiểm soát tốt sẽ tác động không nhỏ đến môi trường
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nêu rõ: "Thực tiễn cho thấy ngành chăn nuôi đã và đang tác động đến môi trường. Nếu chất thải chăn nuôi không được kiểm soát tốt sẽ phát thải gần 15 triệu tấn CO2 mỗi năm. Vì vậy, chăn nuôi nói chung, chăn nuôi lợn nói riêng thời gian tới cần phát triển theo quy mô công nghiệp, năng suất cao và sản lượng lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa và chăn nuôi hữu cơ theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng các vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư thuận lợi cho xử lý môi trường và kiểm soát dịch bệnh".
Theo ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách TN&MT, chuyển đổi xanh hiện nay đang là 1 xu hướng không thể đảo ngược. Ngành Chăn nuôi là một trrong các nguồn phát thải khí nhà kính như khí CH4, CO… có khả năng gây nóng lên toàn cầu. Trên toàn thế giới, ngành Chăn nuôi đóng góp từ 14-17% phát thải khí nhà kính, ở Việt Nam là khoảng 19% trong tổng phát thải của ngành nông nghiệp. Bên cạnh đó còn có những vấn đề về quản lý chất thải của vật nuôi chưa được bền vững.
Việt Nam đã và đang tích cực thực hiện chuyển đổi xanh hướng tới phát triển bền vững và đặt ra mục tiêu đạt phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050. Theo ông Thắng, ngành Chăn nuôi cần có các mô hình, phương thức giám sát việc giảm phát thải khí nhà kính, tiếp cận, áp dụng các nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn… từ đó giảm phát thải khí nhà kính, quản lý chất thải theo hướng bền vững.
Ông Thắng cũng nhấn mạnh việc thực hiện các giải pháp như: Nhìn nhận một cách đầy đủ và hệ thống các nguyên tắc cơ bản của kinh tế tuần hoàn để thiết kế, xây dựng vận hành các hệ thống chăn nuôi theo hướng tuần hoàn; đánh giá mức độ phù hợp với trình độ quản lý, khả năng đầu tư của chủ trang trại, các loại hình chăn nuôi nhằm đảm bảo tính hiệu quả, bền vững; cần có sự tham gia của các bên liên quan.
"Nhà nước cần có cơ chế khuyến khích đối với các trang trại, cơ sở chăn nuôi đáp ứng các tiêu chí về sử dụng tài nguyên, vật liệu, tiết kiệm năng lượng và sản xuất năng lượng tái tạo như là giảm chất thải chưa qua xử lý ra môi trường; tăng cường truyền thông về các mô hình chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, không chỉ về giải quyết chất thải mà cần phải giảm chất thải về khí nhà kính", ông Thắng nêu quan điểm.
Ông Mark Tattersall Phó Đại sứ, Đại sứ quán Australia Việt Nam chia sẻ, các giải pháp về công nghệ hiệu quả với chất lượng dịch vụ tốt cung cấp cho các trang trại chăn nuôi sẽ giúp chuyển đổi khí biogas thành điện, tiết kiệm chi phí điện năng, cải thiện chất lượng môi trường cũng như hướng tới nên nông nghiệp tuần hoàn
Ông Mark Tattersall nhấn mạnh: "Quá trình chuyển dịch năng lượng sạch tại Việt Nam là sáng kiến mới. Biến những chất thải từ chăn nuôi thành điện cũng như giảm phát thải khí methan để đạt hiệu quả về kinh tế, chất lượng cũng như tiếp cận toàn diện để hướng tới nông nghiệp tuần hoàn. Nếu lượng phát thải khí nhà kính cắt giảm có thể được lượng hóa cũng như thương mại sẽ trở thành nguồn thu đáng kể cho người nông dân. Chúng tôi cam kết hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong việc đạt được các cam kết về khí hậu cũng như là chuyển dịch năng lượng với mục tiêu giảm phát thải ròng bằng '0' vào năm 2050".
Đỗ Hương