In bài viết

Tránh chồng chéo trong phân cấp địa bàn kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông

(Chinhphu.vn) - Bộ Công an đang dự thảo Thông tư quy định trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt của Cảnh sát giao thông, dự kiến sẽ thay thế Thông tư số 32/2018/TT-BCA ngày 08/10/2018.

28/03/2024 17:25
Tránh chồng chéo trong phân cấp địa bàn kiểm tra, kiểm soát của Cảnh sát giao thông- Ảnh 1.

Bộ Công an cho biết, Thông tư số 32/2018/TT-BCA ngày 08/10/2018 quy định về trình tự, nội dung kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt của lực lượng Cảnh sát giao thông, có hiệu lực thi hành từ ngày 28/11/2018 là cơ sở pháp lý quan trọng để lực lượng Cảnh sát giao thông toàn quốc tổ chức thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt; chủ động phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông và hoạt động của tội phạm trên các tuyến, địa bàn đường sắt, góp phần đảm bảo trật tự, an toàn giao thông và trật tự xã hội.

Tuy nhiên, qua 05 năm thực hiện, Thông tư số 32/2018/TT-BCA có một số nội dung không còn phù hợp với tình hình thực tế, phát sinh nhiều vấn đề mới như: Cần có sự phân công, phân cấp tuyến, địa bàn, lĩnh vực thực hiện kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo tránh chồng chéo, trống địa bàn. 

Ngoài ra, sự ra đời và vận hành của các tuyến đường sắt đô thị đòi hỏi cần có phân cấp cụ thể về lực lượng thực hiện công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trên các tuyến đường sắt đô thị của lực lượng Cảnh sát giao thông.

Phân công cụ thể tuyến, địa bàn kiểm tra, kiểm soát

Để giải quyết các vấn đề trên, Bộ Công an dự thảo Thông tư theo hướng bổ sung quy định phân công tuyến, địa bàn kiểm tra, kiểm soát của Cục Cảnh sát giao thông và của Công an cấp tỉnh. 

Theo dự thảo, Cục Cảnh sát giao thông thực hiện kiểm tra, kiểm soát đối với tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh; trường hợp cần thiết, tổ chức lực lượng kiểm tra, kiểm soát trên phạm vi toàn quốc. 

Công an cấp tỉnh kiểm tra, kiểm soát các tuyến đường sắt quốc gia không thuộc tuyến đường do Cục Cảnh sát giao thông được giao thực hiện kiểm tra, kiểm soát; tuyến đường sắt đô thị, đường sắt chuyên dùng, tuyến đường nhánh kết nối với tuyến đường sắt quốc gia.

Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm

Bên cạnh đó, dự thảo Thông tư cũng bổ sung quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát giao thông trong kiểm tra, kiểm soát bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông đường sắt.

Cụ thể, Cảnh sát giao thông có nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt trong phạm vi tuyến đường, địa bàn được phân công. Phát hiện, ngăn chặn kịp thời và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường sắt và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định; phối hợp với cơ quan quản lý đường sắt phát hiện, ngăn chặn hành vi vi phạm quy định bảo vệ công trình đường sắt và hành lang an toàn đường sắt.

Phối hợp điều tra, xác minh, giải quyết tai nạn giao thông theo quy định của pháp luật và của Bộ Công an. Trực tiếp, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an nhân dân đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác trên các tuyến giao thông đường sắt. Tham gia phòng, chống khủng bố, chống biểu tình gây rối; phòng, chống dịch bệnh, thiên tai, hỏa hoạn; cứu nạn, cứu hộ trên các tuyến đường sắt theo quy định.

Thông qua công tác kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, Cảnh sát giao thông thực hiện các nhiệm vụ: Phát hiện những sơ hở, thiếu sót, bất cập trong quản lý nhà nước về an ninh, trật tự và an toàn giao thông đường sắt để báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền kiến nghị với cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục kịp thời; Hướng dẫn, tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt và chấp hành pháp luật về giao thông đường sắt.

Cảnh sát giao thông có quyền kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện giao thông

Theo dự thảo, một trong các quyền hạn của Cảnh sát giao thông là kiểm tra, kiểm soát người và phương tiện giao thông có liên quan đến hoạt động giao thông đường sắt theo quy định của pháp luật. Được áp dụng các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường sắt, trật tự xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật khác theo quy định.

Cảnh sát giao thông được yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân phối hợp, hỗ trợ giải quyết tai nạn, sự cố giao thông hoặc trường hợp khác gây mất trật tự, an toàn giao thông đường sắt. Trong trường hợp cấp bách để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội hoặc để ngăn chặn hậu quả thiệt hại cho xã hội đang xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra, cán bộ Cảnh sát giao thông đang thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát được huy động phương tiện giao thông, phương tiện thông tin liên lạc, phương tiện khác của cơ quan, tổ chức, cá nhân và người đang điều khiển, sử dụng phương tiện đó theo quy định của Luật Công an nhân dân. Việc huy động được thực hiện dưới hình thức yêu cầu trực tiếp hoặc bằng văn bản.

Bên cạnh đó, Cảnh sát giao thông cũng được trang bị, sử dụng phương tiện giao thông; phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; vũ khí, công cụ hỗ trợ; phương tiện thông tin liên lạc; phương tiện kỹ thuật khác theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sửa đổi, bổ sung năm 2020); Luật quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ; quy định khác của pháp luật có liên quan và của Bộ Công an.

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

Hoa Hoa