Ngày 16/6, một số báo ở Trung Quốc như tạp chí Tài Kinh, tạp chí Cầu thị đã đăng bài viết của Tào Lâm, cây bút bình luận của Báo Thanh niên Trung Quốc. Trong bài viết, Tào Lâm khuyến cáo truyền thông Trung Quốc không nên hùa theo những “trò hề” kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Tác giả Tào Lâm cho biết, trong thời gian qua nhiều chương trình truyền hình và tiêu đề trên trang nhất của nhiều báo gây cảm giác sợ hãi cho người xem. Chúng tạo cảm giác như chiến tranh sẽ bùng nổ ngay ngày mai với những luận điệu giật gân như “nhất định phải có một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản“, “một cuộc chiến mới giữa Trung Quốc với Nhật Bản sẽ là cuộc chiến cho người dân Trung Hoa rửa nỗi nhục“, hay "phải chiến đấu với Mỹ”, “quân đội đã sẵn sàng cho chiến tranh".
Theo ông Tào Lâm, một quốc gia thực sự lớn mạnh không phải là quốc gia có khả năng phát động một cuộc chiến tranh, mà là có khả năng từ chối và tránh cho đất nước rơi vào một cuộc chiến tranh, đồng thời là một quốc gia có đủ tư cách nói không với chiến tranh, giúp quốc dân tránh những tổn thương vì chiến tranh. Nuôi quân ngàn ngày không phải để họ tham gia một cuộc chiến, mà để chiến tranh không xảy ra.
Một trong những nguyên nhân giúp cho Trung Quốc lớn mạnh, theo tác giả bài báo, là “tránh xa chiến tranh”, vì môi trường hòa bình và ổn định đem lại nhiều cơ hội hơn cho quốc gia phát triển. Điều đó hoàn toàn rõ ràng, bởi nhìn lại thế giới biến động hơn 30 năm qua, người ta không thấy nước nào trong số các quốc gia sa vào chiến tranh giữ được sự ổn định về kinh tế. Xã hội của những nước đó rối loạn, cuộc sống của người dân khốn khó, cả quốc gia và quốc dân đều tổn thương.
Tào tin rằng các nhà lãnh đạo sẽ không bị huyễn hoặc bởi những tiếng nói hiếu chiến, mà sẽ nhìn những vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt trong quá trình phát triển một cách lý tính hơn, nhận thức rõ ràng hơn về sự cần thiết của một môi trường hòa bình cho sự phục hồi dân tộc.
“Một nước lớn cần có sự ổn định để phát triển chứ không thể để người ta dắt mũi", Tào viết. Chính vì vậy, Tào Lâm mong truyền thông Trung Quốc hiểu rằng môi trường hòa bình không phải là thứ dễ dàng, rằng kinh tế nhất định phải phát triển trên nền tảng hòa bình. Nhiều người nghĩ những luận điệu rêu rao chiến tranh là biểu hiện của tinh thần yêu nước, nhưng thực ra đó chỉ là một biểu hiện của những kẻ thiếu hiểu biết. Nếu để những người này ra chiến trường thực sự, chắc chắn họ sẽ sợ đến mất mật.
Nguyễn Đức (tổng hợp)