In bài viết

Trao quyền cho phụ nữ trong kinh tế là động lực phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Kết thúc chương trình làm việc trong ngày 28/9, đối thoại công-tư về phụ nữ và kinh tế (PPDWE) của các nền kinh tế APEC đã thu được nhiều ý kiến thống nhất là cần có hành động chung để tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.

29/09/2017 08:22
Quang cảnh đối thoại. Ảnh: VGP/Thế Phong
Với 4 phiên thảo luận, các đại biểu đã trao đổi về các lĩnh vực như phát triển bao trùm về kinh tế, tài chính và xã hội đối với phụ nữ-động lực cho tăng trưởng bền vững và bao trùm; doanh nhân nữ trong thị trường toàn cầu đang thay đổi; thúc đẩy tinh thần kinh doanh của phụ nữ trong kỷ nguyên số; và xây dựng tầm nhìn về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.

Những vấn đề này cũng là mối quan tâm chung của các thành viên APEC, đồng thời cũng sẽ là những nội dung đóng góp thiết thực vào việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam đến năm 2020.

Các đại biểu chia sẻ nhận định khu vực châu Á-Thái Bình Dương tiếp tục là động lực tăng trưởng và liên kết kinh tế toàn cầu và phát triển bền vững và bao trùm. Nhiều nền kinh tế trong khu vực đang đẩy mạnh triển khai các chiến lược quốc gia về phát triển bền vững và bao trùm, và hội nhập quốc tế sâu rộng, trong đó chú trọng việc tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ. Trong một thế giới toàn cầu hóa và công nghệ số với nhiều thách thức đang nổi lên, cần có những hành động chung để tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ.

Các ý kiến cũng cho rằng trao quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ nữ trong kinh tế chính là động lực cho phát triển bền vững và bao trùm trong khu vực APEC. Nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa là một trong những yếu tố quyết định. Các cơ quan chính phủ, khu vực công-tư cần hợp tác chặt chẽ vì mục tiêu đó.

Về tầm nhìn về tăng quyền năng kinh tế của phụ nữ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các đại biểu nhất trí, trong một giai đoạn đang có nhiều chuyển đổi như hiện nay, vấn đề then chốt là cần tăng cường sự vai trò, tham gia và đóng góp của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách của APEC, nhất là trong việc xây dựng tầm nhìn APEC sau năm 2020.

Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết các ý kiến trao đổi tại đối thoại đạt được sự đồng thuận cao và sẽ được tổng hợp thành những khuyến nghị để báo cáo các Bộ trưởng tại đối thoại chính sách cao cấp về phụ nữ và kinh tế. 

Thế Phong