Thăm khám cho bệnh nhi viêm phổi do nhiễm RSV. Ảnh: BV Nhi Trung ương |
Theo Ths.BS. Trịnh Thị Thu Hà, Phó trưởng Khoa Hồi sức cấp cứu sơ sinh, virus hợp bào hô hấp là một trong những nguyên nhân gây bệnh đường hô hấp thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với khả năng lây lan rất mạnh. Nhiễm RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm tiểu phế quản và viêm phổi ở trẻ dưới 2 tuổi. Bệnh có thể gặp quanh năm, nhưng tập trung vào các thời điểm giao mùa.
Nhận biết và phòng ngừa viêm phổi do RSV
Viêm phổi do virus có rất nhiều loại, trong đó có loại virus đã có thuốc điều trị. Tuy nhiên, RSV là loại virus không có thuốc điều trị đặc hiệu; khi mắc không cần dùng kháng sinh, chỉ điều trị triệu chứng như rửa mũi, long đờm, vỗ rung… Bệnh sẽ tự khỏi nếu không có biến chứng như nhiễm thêm vi khuẩn, suy hô hấp.
Các triệu chứng khi nhiễm RSV thường rất giống và dễ nhầm lẫn với cảm lạnh thông thường như: Chảy nước mũi, ho khan, sốt nhẹ, nôn, ăn kém… Trường hợp nặng trẻ có thể thở nhanh, khò khè, khó thở, tím tái, bỏ bú, ngừng thở… Hầu hết viêm phổi do RSV khỏi hoàn toàn sau 1-2 tuần, ho có thể kéo dài hơn.
BS. Hà cũng cho biết, virus này có thể gây bệnh nặng cho trẻ sơ sinh, nhưng tỷ lệ không cao. Những trẻ dễ mắc bệnh và có nguy cơ tử vong cao bao gồm: Trẻ đẻ non, trẻ thiếu cân (suy dinh dưỡng bào thai), trẻ bị mắc các bệnh tim bẩm sinh và các bệnh mạn tính. Do đó, khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh, phụ huynh nên đưa con đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và có kế hoạch điều trị kịp thời.
RSV lây truyền dễ dàng từ người sang người qua tiếp xúc chạm phải chất dịch hoặc hít phải không khí có nhiễm virus… Virus có thể sống vài giờ trên các bề mặt bàn, ghế, đồ chơi, tay, vì vậy, việc kiểm soát nhiễm khuẩn là vô cùng quan trọng.
Để phòng ngừa bệnh, phụ huynh nên tránh để trẻ tiếp xúc với người có dấu hiệu sốt, ho, sổ mũi, hắt hơi. Rửa tay sạch trước khi chăm sóc trẻ. Tránh hôn hít trẻ. Tránh đưa trẻ đến nơi đông người. Giữ cho môi trường sống của trẻ trong lành, tránh khói bếp, khói thuốc lá.
CM