Chuyến thăm đã tạo nhiều điểm nhấn quan trọng, tiếp tục nâng tầm các quan hệ song phương với các đối tác châu Âu, mở rộng đối ngoại đa phương, góp phần tích cực xây dựng, định hình các thể chế hợp tác đa phương, đồng thời tham gia hiệu quả, đóng góp vào giải quyết các thách thức toàn cầu.
Chuyến công tác với “3 điểm đến, 6 mục tiêu” trong một tuần lễ với chương trình làm việc liên tục, hầu hết đều kết thúc vào tối muộn, có ngày khi Thủ tướng về đến khách sạn đồng hồ đã chỉ quá 11 giờ đêm. Điểm lại các hoạt động, Thông cáo báo chí cho biết đã có tới 69 hoạt động đa phương và song phương.
Còn một thống kê khác, Thủ tướng đã có tới 72 bài phát biểu trong khuôn khổ hai hội nghị quốc tế lớn, trong các cuộc hội đàm, tiếp xúc, tiếp kiến với lãnh đạo 3 nước chủ nhà và lãnh đạo các nước tham dự hội nghị quốc tế; dự diễn đàn, tọa đàm với cộng đồng doanh nghiệp; gặp gỡ động viên cộng đồng kiều bào, chứng kiến việc ký kết 30 văn kiện, thỏa thuận hợp tác...
Những thông điệp quan trọng của Việt Nam được Thủ tướng nêu ra tại các hội nghị quốc tế như Hội nghị ASEM 12, một hội nghị đa phương quy mô toàn cầu với sự tham dự của 43 nguyên thủ và 10 lãnh đạo quốc gia, hay như Hội nghị P4G với vai trò Việt Nam là một trong số quốc gia sáng lập Diễn đàn P4G, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.
Tại Hội nghị ASEM 12, Thủ tướng đề xuất ASEM cần đi đầu trong thúc đẩy hợp tác đa phương, duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ và ứng phó với các thách thức toàn cầu, đi đầu triển khai các cam kết về ứng phó biến đổi khí hậu, thiên tai. ASEM cần chia sẻ kinh nghiệm về khơi dậy tiềm năng đổi mới, sáng tạo, hỗ trợ các nhóm người dân dễ bị tổn thương tiếp cận công nghệ số, thích nghi với thay đổi và nâng cao khả năng ứng phó với rủi ro. Việt Nam thể hiện trách nhiệm cao của mình với việc Thủ tướng thông báo sẽ tăng đóng góp cho Quỹ Á - Âu từ năm 2019.
Thủ tướng khẳng định Việt Nam coi trọng hợp tác ASEM với đề xuất việc Việt Nam tổ chức Hội nghị ASEM về thúc đẩy phát triển bao trùm về kinh tế xã hội ở châu Á và châu Âu và hội thảo ASEM về thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 trong năm 2019. Nhiều thành viên ASEM đã ủng hộ và tham gia đồng bảo trợ các sáng kiến của Việt Nam.
Đó là đề xuất của Thủ tướng trong phiên họp hẹp của các nhà lãnh đạo ASEM về các vấn đề quốc tế và khu vực, trước mắt là giảm cọ xát thương mại nhằm tiếp tục đà phục hồi và bảo đảm triển vọng tươi sáng của kinh tế toàn cầu. Việt Nam và các nước ASEAN đã và đang phối hợp chặt chẽ với cộng đồng quốc tế, trong đó có các thành viên ASEM để duy trì hòa bình, ổn định, an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không, thương mại tự do không bị cản trở ở Biển Đông, nơi có tuyến hàng hải quốc tế lớn, kết nối giao thương Á-Âu và toàn cầu.
Tham dự diễn đàn P4G, Thủ tướng đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của việc tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh toàn cầu đến 2030.
Lãnh đạo các nước đánh giá cao thành tựu phát triển kinh tế xã hội và vai trò, vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Nhiều nước khẳng định ủng hộ Việt Nam là Uỷ viên không thường trực Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Các nước thành viên EU ủng hộ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU và cho rằng cần sớm ký và thông qua hiệp định này.
Trên bình diện song phương, trong chuyến thăm chính thức đầu tiên tới 3 nước Áo, Bỉ, Đan Mạch và thăm làm việc với EU, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng 3 nước và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu thống nhất cùng nhau tạo nên các kỳ tích mới trong quan hệ hợp tác.
Kết thúc chuyến công tác, chuyên cơ đưa Thủ tướng và đoàn công tác trở về nước từ Copenhagen, Thủ đô Vương quốc Đan Mạch vào chiều tối ngày 20/10 - Ngày Phụ nữ Việt Nam. Khi chuyên cơ vừa ổn định độ cao, đích thân Thủ tướng tới từng hàng ghế chúc mừng các nữ cán bộ tham gia đoàn công tác. Hãng Vietnam Airline cũng chuẩn bị những gói quà nhỏ xinh dành tặng chị em. Tiếng cười tươi rộn ràng khắp chuyên cơ, không chỉ với cánh chị em, giải tỏa sự căng thẳng của một tuần công tác bận rộn./.
Diệu Vi