![]() |
Họp báo về chương trình “Quảng Trị- Thuở binh nhì” - Ảnh: Chinhphu.vn |
Trong lứa thế hệ chiến sĩ-sinh viên ấy có nhiều người đã may mắn trở về tiếp tục cống hiến cho đất nước như đồng chí Đinh Thế Huynh, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; nhà thơ Hoàng Nhuận Cầm; nguyên Bộ trưởng Y tế Nguyễn Quốc Triệu; nhà thơ Nguyễn Thụy Kha…
Nhưng cũng có rất nhiều binh nhì vĩnh viễn nằm lại chiến trường Quảng Trị trong mùa hè đỏ lửa năm 71, trong đó có liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc với nhật ký “Mãi mãi tuổi 20”.
Tri ân những liệt sĩ-trí thức trẻ của thế hệ sinh viên Hà Nội thuở ấy và cả với những người đã hưởng ứng lệnh tổng động viên năm 71 xung phong vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cùng với các đồng đội trong Hội cựu chiến binh Quảng trị phối hợp cùng Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Công ty Truyền thông VTV cùng tổ chức chương trình “Quảng Trị-Thuở binh nhì”.
Nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha khẳng định, “đây là chương trình thơ, nhạc có giá trị nhân văn, lịch sử do những người trẻ thuộc thế hệ sinh năm 1971 đầy tâm huyết thực hiện mà đại diện là Thiếu tá Nguyễn Khánh Trình-Tổng Công ty Sông Hồng”.
Trong chương trình sẽ có màn giao lưu với những vị chỉ huy, người lính từng có mặt tại chiến trường Quảng Trị thời đó.
Ngoài những tác phẩm đã gắn liền với Quảng Trị như Cỏ non thành cổ (Tân Huyền), Miền xa thẳm (Đức Trịnh), “Quảng Trị-Thuở binh nhì” còn có những tác phẩm của chính những nhạc sĩ không chuyên là những người lính Quảng Trị năm xưa như “Mãi mãi tuổi 20” (Nguyễn Quý Lăng viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc); “Bạn tôi” (Nguyễn Văn Bằng); “Quảng Trị yêu thương” (Nguyễn Đức Minh); “Đêm trắng Quảng Trị (nhạc Nguyễn Thụy Kha, thơ Nguyễn Văn Thạc) do thế hệ sinh năm 1971, hiện đang là cán bộ trong quân đội thể hiện.
Đây cũng là một trong những hoạt động chào mừng “Ngày âm nhạc Việt Nam” lần thứ 2.
Phương Chi