In bài viết

Triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch cúm gia cầm

08/02/2012 16:00

Hiện nay, dịch cúm ở gia cầm đã và đang xảy ra ở các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Sóc Trăng, đặc biệt là ở xã Hải Thọ huyện Hải Lăng tỉnh Quảng Trị vùng giáp ranh với huyện Phong Điền, tỉnh Thừa thiên Huế nên nguy cơ dịch bệnh lây lan vào tỉnh ta là rất cao. Trước tình hình đó, ngày 08/2, Chủ tịch Ủy ban nhân dân đã có Công điện số 05/CĐ-UBND yêu cầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Huế: Chỉ đạo các cấp, cơ quan chuyên môn, vận động người dân, người chăn nuôi thực hiện nghiêm các các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và cơ quan chuyên môn; Phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Y tế, Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đến tận người dân để mọi người hiểu biết về sự nguy hiểm của dịch bệnh này và thường xuyên chủ động phòng, chống dịch; bảo vệ sức khỏe của bản thân và cộng đồng; không ăn thịt gia cầm bị bệnh, ốm chết, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Khẩn trương chỉ đạo triển khai việc tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm theo Kế hoạch số 38/KH-CCTY ngày 06/02/2012 của Chi cục Thú y để tạo miễn dịch toàn đàn trước nguy cơ của dịch cúm. Phân công lực lượng giám sát đến tận thôn, hộ chăn nuôi gia cầm để kịp thời phát hiện, xử lý không để dịch lây lan. Chỉ đạo việc tiêu độc thường xuyên ở những nơi có nguy cơ cao, các ổ dịch cũ, các đàn gia cầm, thủy cầm và tuyên truyền hướng dẫn việc xã hội hóa công tác tiêu độc tại các hộ chăn nuôi. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương để phòng chống dịch và hỗ trợ kịp thời người chăn nuôi có gia cầm bị tiêu hủy theo Quyết định số 1442/QĐ-TTg ngày 23/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 719/QĐ-TTg ngày 05/5/2008 về chính sách hỗ trợ kinh phí phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

Chủ tịch UBND tinh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: chỉ đạo Chi cục Thú y phối hợp các cơ quan, ban, ngành liên quan thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng, chống bệnh cúm gia cầm, hướng dẫn người nuôi gia cầm thực hiện các biện pháp an toàn sinh học, tiêm phòng vắc xin cúm gia cầm và các loại vắc xin khác theo qui trình; tăng cường kiểm tra công tác phòng chống dịch bệnh tại cơ sở ; Thực hiện nghiêm công tác kiểm dịch động vật, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trên quốc lộ 1A (chốt Thừa Lưu - Phú Lộc, Phong Thu - Phong Điền), đường Hồ Chí Minh (A Lưới); không cho nhập gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc vào địa phương. Tăng cường kiểm tra tại các đầu mối giao thông, bãi tập kết, các lò giết mổ gia cầm… nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Sở Y tế: Hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa chủ động và hiệu quả; phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác giám sát dịch tễ; kịp thời phát hiện, tích cực cứu chữa bệnh nhân, ngăn chặn không để dịch xảy ra và lây lan.

Ngoài ra, các Sở, ngành chức năng trong Ban chỉ đạo chăn nuôi và phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và Ban chỉ đạo phòng chống đại dịch cúm ở người chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp các lực lượng liên ngành triển khai thức hiện nhiệm vụ được phân công trong phòng, chống dịch.