In bài viết

Triển khai dạy học 2buổi/ngày ở bậc phổ thông: hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện

Việc dạy học 2 buổi/ngày ở các trường trung học nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đáp ứng nhu cầu của gia đình và xã hội trong việc quản lý, giáo dục học sinh; hạn chế tình trạng dạy thêm – học thêm không đúng quy định ở các nhà trường; tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Tại buổi hội thảo về vấn đề phát triển trường lớp 2 buổi/ngày do sở Giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) tỉnh tổ chức vừa qua, đa số các các đại biểu đều nhất trí với việc triển khai dạy học 2 buổi/ ngày để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến giáo dục toàn diện.

23/02/2011 19:29
Hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lê Minh Hoàng cho rằng, việc triển khai dạy học 2 buổi/ngày là một chủ trương lớn của Bộ GD&ĐT, thực hiện chủ trương này là hướng đến mục tiêu toàn diện, đồng thời đi đôi với việc kết hợp thực hiện cuộc vận động “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, dựa trên sự phù hợp hoàn cảnh của từng đơn vị trường, từng địa phương. Ý kiến của đại diện một số trường phổ thông trên địa bàn tỉnh cũng nhất trí cho rằng, việc triển khai dạy học ngày 2 buổi là cách cần thiết để nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện. Dạy học 2buổi/ngày nhằm hướng đến mục tiêu giáo dục toàn diện Thầy Nguyễn Duy Phúc, Hiệu trưởng Trường THPT Ngô Quyền (TP.Biên Hòa) cho biết, hiện trường Ngô Quyền có 30 phòng học cho tổng số 30 lớp học, đội ngũ giáo viên đầy đủ ở tất cả các bộ môn, cho nên việc triển khai học tăng tiết được nhà trường thực hiện từ trước đến nay và không gặp khó khăn gì về điều kiện vật chất và nhân sự. Nhà trường triển khai học tăng tiết vào các buổi chiều nhằm củng cố và đào sâu các bài học của các môn học chính đồng thời tập cho các học sinh làm các bài tập nâng cao hơn so với chương trình trong sách giáo khoa để các em nắm vững kiến thức. Nhà trường cũng triển khai việc học ngày 2 buổi đối với các trường hợp học sinh có điểm số tổng kết từ 5 điểm trở xuống, nhằm phụ đạo cho các em các kiến thức cơ bản bài học mà các em chưa nắm chắc. Việc học 2 buổi ngày cũng áp dụng cho các trường hợp các em được bồi dưỡng để dự thi học sinh giỏi các cấp. Trong Công văn số 7291 gửi các Sở GD&ĐT của Bộ GD&ĐT đã nêu rõ, nội dung dạy học 2 buổi/ngày đối với các trường trung học thực hiện theo định hướng sau: Bám sát nội dung chương trình, đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của Chương trình giáo dục phổ thông. Thực hiện các giải pháp tăng thời gian dạy học các nội dung khó, học sinh tự học có hướng dẫn của giáo viên; tổ chức phụ đạo học sinh yếu, bồi dưỡng học sinh giỏi phù hợp từng đối tượng học sinh; dạy học các môn tự chọn và phát huy khả năng của học sinh theo các nội dung tự chọn; Thực hiện các hoạt động giáo dục như: giáo dục hướng nghiệp; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục nghề phổ thông; giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học; phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Ngoài việc củng cố kiến thức cho các môn học cơ bản, học 2 buổi/ngày còn góp phần phát triển năng khiếu học sinh Là một trường được đóng trên địa bàn cách xa trung tâm văn hóa của huyện Trảng Bom, Trường THCS và THPT Bàu Hàm còn gặp khá nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, nhân sự và đầu vào của học sinh. Tuy nhiên, nhà trường vẫn luôn xác định việc học tăng tiết cho học sinh là điều cần thiết. Thầy Nguyễn Ngọc Oánh, Hiệu trưởng nhà trường cho rằng, việc triển khai học ngày 2 buổi không chỉ là củng cố kiến thức các bài học trong chương trình, hạn chế tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, mà còn tạo điều kiện để học sinh đến trường nhiều hơn, tiếp xúc với thầy cô, bạn bè, tiếp cận với những điều tốt đẹp để rèn luyện kỹ năng sống, giảm các tệ nạn xã hội, tăng cường giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống cho học sinh. Còn nhiều khó khăn Mục tiêu của việc triển khai dạy học ngày 2 buổi thì đã rõ. Ngoài việc đảm bảo yêu cầu tối thiểu về chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ của Chương trình giáo dục phổ thông thì việc triển khai học 2 buổi/ngày cũng nhằm thực hiện các hoạt động giáo dục khác như: giáo dục hướng nghiệp; giáo dục ngoài giờ lên lớp; giáo dục nghề phổ thông; giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống; hoạt động tập thể, văn nghệ, thể thao… theo quy định của kế hoạch giáo dục, kế hoạch thời gian năm học; phát triển năng khiếu cá nhân, tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, hiện còn khá nhiều trường học gặp khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, phải thuê mướn trụ sở hay thiếu giáo viên. Chính vì vậy, việc triển khai các buổi học tăng tiết cho học sinh gặp không ít khó khăn. Hiệu trưởng Trường THPT Đoàn Kết (huyện Tân Phú) Nguyễn Văn Hiển cho biết, hiện nhà trường còn thiếu phòng học do đó việc học 2 buổi/ngày chỉ được áp dụng cho học sinh khối 12. Ngoài ra, điều kiện kinh tế địa phương còn khó khăn nên việc đóng góp của học sinh cũng rất hạn chế. Còn Hiệu trưởng trường THCS và THPT Bàu Hàm (huyện Trảng Bom) cũng khẳng định, một số phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến vấn đề học tập của học sinh cho nên nhà trường muốn phối hợp với gia đình để hướng đến giáo dục toàn diện cho học sinh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Một số học sinh nhà ở xa, điều kiện đi lại còn gặp nhiều khó khăn nên việc đến trường ngày 2 buổi không phải là việc đơn giản. Ngoài ra, thu nhập của người dân nơi đây không cao cũng ảnh hưởng đến việc đóng góp các khoản trong quá trình triển khai dạy học tăng tiết. Và để học sinh học thêm về kỹ năng sống cũng như rèn luyện sức khỏe Cũng còn nhiều băn khăn, lo lắng cho học sinh trong việc triển khai thực hiện dạy học ngày 2 buổi, thầy Trương Văn Nhi, Hiệu trưởng Trường THPT Sông Ray, huyện Cẩm Mỹ chia sẻ, việc triển khai học ngày 2 buổi là điều cần thiết để củng cố kiến thức học tập cho học sinh, tuy nhiên đối với học sinh vùng sâu, vùng xa như ở huyện Cẩm Mỹ, điều kiện học tập còn rất khó khăn, việc ở lại trường để tiếp tục học buổi chiều cũng là một vấn đề. Qua tìm hiểu tôi thấy, đa số các em chỉ ăn mì gói, chè hoặc các thứ đơn giản khác, các em trong độ tuổi lớn, việc ăn uống sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và học hành. Thầy cũng mong muốn, Sở GD&ĐT sẽ đưa ra được một mức thu phù hợp để nhà trường có cách chi trả phù hợp cho giáo viên dạy tăng tiết đồng thời cũng đảm bảo điều kiện để học sinh học hành. Việc triển khai dạy học 2 buổi/ ngày đối với nhiều trường tuy còn gặp nhiều khó khăn, tuy nhiên đây là một chủ trương lớn nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, hướng đến giáo dục toàn diện, vậy nên Phó giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Thiệp yêu cầu, các trường học trên địa bàn tỉnh tổ chức triển khai theo đúng nguyên tắc và yêu cầu đối với việc tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, đẩm bảo nội dung và phù hợp hoàn cảnh của từng đơn vị. Diệu Linh