In bài viết

Triển khai tổ khuyến nông cộng đồng để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc

(Chinhphu.vn) - Nhiệm vụ chính của tổ khuyến nông cộng đồng là chuyển giao kỹ thuật công nghệ; hỗ trợ tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

16/12/2022 15:26
Triển khai tổ khuyến nông cộng đồng để phát triển vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc - Ảnh 1.

Trồng dứa ở các tỉnh miền núi phía bắc

Mới đây, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội thảo chuyên đề: "Triển khai hoạt động tổ khuyến nông cộng đồng vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc".

Ngày 8/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg ban hành Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới và Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025; trong đó có quy định xã đạt chuẩn nông thôn mới phải có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả.

Ngay sau đó, đề án Nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông trên cơ sở kiện toàn mô hình tổ khuyến nông cộng đồng đã triển khai thành lập 26 tổ khuyến nông cộng đồng thí điểm tại 13 tỉnh thuộc 5 vùng nguyên liệu gồm vùng nguyên liệu cây ăn quả miền núi phía bắc (Hòa Bình, Sơn La); vùng nguyên liệu gỗ rừng trồng chứng chỉ duyên hải miền trung (Quảng Trị, Thừa Thiên Huế); vùng nguyên liệu cà phê Tây Nguyên (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Kon Tum); vùng nguyên liệu lúa gạo Tứ giác Long Xuyên (Kiên Giang, An Giang); vùng nguyên liệu cây ăn quả Đồng Tháp Mười (Đồng Tháp, Tiền Giang, Long An).

Ông Vương Đắc Hùng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hòa Bình cho biết, đến thời điểm này, đề án thí điểm thành lập tổ khuyến nông cộng đồng đã đem lại hiệu quả tại huyện Lạc Sơn và Yên Thủy, đồng thời nhân rộng ra các huyện khác. 

Nhiệm vụ chính của tổ khuyến nông cộng đồng là chuyển giao kỹ thuật công nghệ; hỗ trợ tư vấn thị trường và liên kết chuỗi giá trị; hướng dẫn chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, phân tích những khó khăn, như tổ khuyến nông mới được thành lập và đi vào hoạt động nên còn gặp nhiều khó trong việc chỉ đạo, điều hành hoạt động, các thành viên còn hạn chế về kiến thức về chức năng, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng; đặc biệt là kiến thức về phát triển thị trường, quản trị hợp tác xã, liên kết theo chuỗi giá trị, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuyển đổi số trong sản xuất nông nghiệp... Trang thiết bị và kinh phí làm việc để tổ thực hiện nhiệm vụ còn thiếu; chưa có sự phân cấp rõ ràng trong việc hướng dẫn thành lập tổ khuyến nông cộng đồng. Cán bộ khuyến nông viên cấp xã được hưởng phụ cấp thấp, kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ, không có chuyên môn về nông nghiệp; hơn nữa địa bàn hoạt động rộng, đi lại không thuận lợi lại rất khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ.

Các đại biểu cũng kiến nghị, đề xuất cần có cơ chế chính sách cụ thể cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả. Tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ khuyến nông cộng đồng như kiến thức về hợp tác xã, về thị trường và liên kết sản xuất, các kiến thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất nông nghiệp, truy xuất nguồn gốc... Hướng dẫn bán hàng, kinh doanh sản phẩm nông nghiệp trên các sàn thương mai điện tử; để các thành viên trong tổ có thể đảm nhiệm tốt các chức năng, nhiệm vụ của tổ khuyến nông cộng đồng, trang bị các thiết bị, đồ dùng cần thiết cho tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động và thực hiện nhiệm vụ.

Kết luận tại hội thảo, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia Lê Quốc Thanh nêu rõ, thời gian tới, các tỉnh Trung du và miền núi phía bắc cần tập trung đầu tư cơ sở bảo quản, chế biến có quy mô, nâng cao sản phẩm chế biến; nâng cao vai trò của các đơn vị quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc và tiêu thụ sản phẩm; liên kết sản xuất, tiêu thụ chặt chẽ hơn; thu hút sự đầu tư của các doanh nghiệp lớn tham gia sản xuất, thu mua xuất khẩu; nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm...

NT