Ban Tổ chức MTA Hanoi 2022 cho biết, theo dự báo sơ bộ, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam từ nay đến năm 2030 có thể đạt hơn 300 tỷ USD. Với khoảng 25.000 doanh nghiệp cơ khí đang hoạt động, chiếm gần 30% tổng số doanh nghiệp công nghiệp chế biến, chế tạo tại Việt Nam, nhưng hiện nay, ngành cơ khí Việt Nam mới chỉ đáp ứng khoảng gần 1/3 nhu cầu sản phẩm cơ khí trong nước, chính vì vậy, cơ hội tiềm năng vẫn còn rất nhiều.
Tiếp nối thành công của triển lãm MTA Việt Nam vào tháng 7/2022 với 12.500 khách tham quan, hàng trăm đơn vị trưng bày đến từ 11 quốc gia với rất nhiều phản hồi tích cực, MTA Hanoi 2022 trở lại hứa hẹn nhiều sự đột phá. MTA Hanoi 2022 giới thiệu đến cộng đồng sản xuất – chế tạo hàng loạt các công nghệ và giải pháp tiên tiến phục vụ nhu cầu đầu tư thiết bị và máy móc, tiếp tục tăng cao của doanh nghiệp sau đại dịch.
MTA Hanoi 2022 thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp đến từ 13 quốc gia, vùng lãnh thổ như Đức, Anh, Áo, Thổ Nhĩ Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Israel, Malaysia, Thái Lan,... với gần 100 đơn vị trưng bày.
Bên cạnh khu triển lãm MTA Hanoi 2022 trưng bày những thông tin và công nghệ mới tân tiến, sẽ diễn ra chuỗi hội thảo hướng tới sản xuất thông minh cũng như công nghệ in và kỹ thuật số với sự tham gia của các chuyên gia đầu ngành. Chuỗi hội thảo được xây dựng dựa trên các vấn đề thực tiễn của doanh nghiệp, mang tính ứng dụng cao giúp doanh nghiệp có cái nhìn đủ và sâu hơn về ngành sản xuất tại Việt Nam, từ đó áp dụng và phát triển cho chính doanh nghiệp mình.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam, với sự tham gia của 13 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng các sản phẩm công nghệ tiên tiến, đây là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp cận với các công nghệ mới nhất cho sản xuất. Triển lãm sẽ là cầu nối đáng tin cậy để cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng trao đổi, lĩnh hội, kết nối và tiếp cận các giải pháp, nâng cao hiệu quả sản xuất của doanh nghiệp mình.
NT