Triển lãm "Theo dấu chân Đại tướng Võ Nguyên Giáp" có tổng số 92 tấm pano lụa, thể hiện 110 bài thơ và diễn ca do nhà giáo, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Thị Mỹ Dung-người có nhiều cơ duyên gặp gỡ, sáng tác, viết nhiều bài báo, bài thơ về Đại tướng trong suốt 20 năm sáng tác, thực hiện. 110 bài thơ và diễn ca giới thiệu đến công chúng những câu chuyện về Đại tướng huyền thoại cùng những hình ảnh lịch sử, hình ảnh đời thường gắn với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Triển lãm thơ và diễn ca chia thành 3 phần: Phần một là những bài thơ, diễn ca giới thiệu về chiến dịch Điện Biên Phủ dưới sự lãnh đạo tài tình của Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Phần hai giới thiệu những khoảnh khắc đời thường, dung dị về vị tướng huyền thoại, nhà quân sự lỗi lạc của Việt Nam. Phần ba của triển lãm là những bài thơ, diễn ca nói lên sự tri ân sâu sắc, tình cảm sâu nặng, niềm kính phục của nhân dân Việt Nam, trong đó có cá nhân tác giả đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Giám đốc Bảo tàng Quảng Bình Lê Thị Hoài Hương cho biết, triển lãm nhằm tôn vinh và tri ân những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ghi nhớ những tình cảm thiêng liêng, sự quan tâm sâu sắc của Đại tướng đối với nhân dân cả nước nói chung và Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Bình nói riêng.
Trò chuyện với đại biểu và đông đảo các bạn trẻ dự khai mạc triển lãm, tác giả những tác phẩm về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho hay, cảm xúc từ những lần gặp gỡ, sự ngưỡng mộ vị tướng huyền thoại của dân tộc đã giúp bà sáng tác nên những bài thơ, bài diễn ca dung dị về cuộc đời, sự nghiệp và những công lao, đóng góp to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Dịp này, tác giả Nguyễn Thị Mỹ Dung đã trao tặng toàn bộ số pano lụa, thể hiện 110 bài thơ và diễn ca về Đại tướng Võ Nguyên Giáp cho Bảo tàng tỉnh Quảng Bình.
Triển lãm mở cửa phục vụ công chúng tham quan đến ngày 20/2.
Lưu Hương