Trong quý III/2016, giá dầu thô trung bình ở mức 44,7 USD/thùng, giảm nhẹ so với quý trước, chủ yếu nhờ nguồn cung tăng trở lại, nhất là từ Canada sau khi bị cháy rừng vào mùa xuân vừa qua. Sản lượng của OPEC tăng mạnh, chủ yếu từ Iran và Arabia Saudi. Từ cuối tháng 9/2016, giá dầu tăng mạnh, khi các thành viên OPEC thông báo kế hoạch cắt giảm sản lượng dầu.
Báo cáo cũng phân tích quyết định mới đây của OPEC về chủ trương đóng băng sản lượng khi đánh giá tác động của những thỏa thuận OPEC đến thị trường trong những thập kỷ trước đây. Như vậy, những thỏa thuận của OPEC dường như chỉ có tác động hạn chế đến giá cả dầu mỏ trên toàn cầu, kể cả trong giai đoạn kinh tế mở rộng và trong thời kỳ suy thoái, với hệ quả ngoài mong muốn. Năng lực của OPEC trong việc tìm kiếm tác động đến thị trường dầu mỏ sẽ được kiểm chứng với sự hiện diện của các nhà cung cấp dầu phi truyền thống, nhất là dầu đá phiến của Mỹ.
Ngày 28/9/2016, OPEC nhất trí giảm sản lượng dầu xuống 32,5-33,0 triệu thùng/ngày, chấm dứt 2 năm không kiềm chế được sản lượng, đánh dấu một chuyển biến quan trọng về chính sách, nhất là đối với Arabia Saudi, quốc gia có sản lượng dầu thô lớn nhất của OPEC. Kế hoạch cụ thể sẽ được soạn thảo và công bố vào cuộc họp của OPEC dự kiến diễn ra vào ngày 30/11 tới. Riêng Iran, Libya, Nigeria có thể không phải đóng băng sản lượng.
Nếu kế hoạch được thực thi, thì đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, các quốc gia của OPEC đã đạt được một thỏa thuận về cắt giảm sản lượng dầu khai thác.
OPEC cũng chuẩn bị khung khổ để thảo luận với những quốc gia ngoài OPEC, bao gồm cả Nga. Trong trường hợp OPEC, việc điều hành giá dầu sẽ vấp phải thách thức từ những nhà sản xuất dầu phi truyền thống, chủ yếu từ Mỹ. Các nước thành viên OPEC phải nhất trí về hạn ngạch của các nước thành viên, giai đoạn cơ sở để cắt giảm, thời gian thực hiện, và mức sản lượng đối với những nước không bị ràng buộc bởi kế hoạch cắt giảm sản lượng của OPEC.
Trong năm 2016, nhu cầu về dầu thô trên thế giới dự kiến tăng 1,2 triệu thùng/ngày (1,3%) lên mức trung bình 96,3 triệu thùng/ngày. Trong đó, nhu cầu dầu mỏ tại OPEC dự báo tăng 0,1 triệu thùng/ngày. Nhu cầu về dầu mỏ tại các nước không thuộc OPEC dự báo tăng 1,1 triệu thùng/ngày (2,3%) nhờ nhu cầu tại Trung Quốc và Ấn Độ tăng dần mặc dù tăng chậm nhất kể từ năm 2009.
Trong năm 2017, nhu cầu về dầu thô trên thế giới về dầu mỏ được kỳ vọng tăng 1,2 triệu thùng/ngày (1,3%) lên khoảng 97,5 triệu thùng/ngày, chủ yếu nhờ nhu cầu gia tăng tại các nước không thuộc OPEC và nhu cầu tại Bắc Mỹ tăng nhẹ.
Với diễn biến thị trường như trên, giá dầu trung bình năm 2016 được dự báo ở mức 43 USD/thùng, giảm 15% so với năm trước, và đạt 55 USD/thùng trong năm 2017.
Giá dầu sẽ tăng nếu sản lượng dầu thấp hơn kỳ vọng cắt giảm của OPEC, và sản lượng tại Libya, Nigeria, Bolivia tiếp tục bị thiếu hụt. Giá dầu giảm nếu nhu cầu yếu ớt tại tại các nước đang phát triển và mới nổi do kinh tế tăng chậm sẽ đẩy cung tăng cao hơn kỳ vọng, và các nước OPEC không tuân thủ cam kết cắt giảm sản lượng.
Trong bối cảnh giá dầu giảm thấp, quá trình phục hồi kinh tế toàn cầu bị cản trở, gây khó khăn trầm trọng cho các nước OPEC. Vì vậy, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) đã hối thúc OPEC nhanh chóng thực hiện cắt giảm sản lượng như cam kết nếu mong muốn giá dầu tăng bền vững.
IEA dự đoán, thị trường dầu thế giới sẽ vẫn trong tình trạng dư cung cho đến giữa năm 2017, nếu OPEC không thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng xuống 32,5-33,0 triệu thùng/ngày.
Hoàng Thế Thỏa (Nguồn: Bloomberg, Reuters, WB)