In bài viết

Triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định: Lợi thế thu hút FDI của Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định cùng với tiềm năng tăng trưởng kinh tế góp phần bồi đắp cho sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

30/12/2023 08:23
Triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định: Lợi thế thu hút FDI của Việt Nam- Ảnh 1.

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam - Ảnh: VGP/Thùy Dung

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối ngoại hối, thị trường vốn và dịch vụ chứng khoán, HSBC Việt Nam, đã có cuộc trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ về nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế năm 2023 và kỳ vọng về kinh tế Việt Nam trong năm 2024.

Xin ông đánh giá về những nỗ lực của Chính phủ nhằm vượt qua các "cơn gió ngược" trong năm 2023?

Ông Ngô Đăng Khoa: Việt Nam khởi đầu năm 2023 với rất nhiều kỳ vọng sẽ tiếp nối đà hồi phục kinh tế mạnh mẽ từ năm trước. Tuy nhiên, thực tế kinh tế Việt Nam ngay từ nửa đầu năm tới nay đối diện với rất nhiều thách thức cả trong và ngoài nước.

Tăng trưởng của Việt Nam chậm lại đáng kể trong nửa đầu năm 2023, chưa bằng một nửa mức tăng trưởng ấn tượng trong năm 2022. Cũng như ở nhiều nền kinh tế với định hướng xuất khẩu, nhu cầu hàng hoá từ các quốc gia phương Tây trì trệ vẫn là thách thức chính đối với thương mại của Việt Nam.

Trên thế giới, những bất ổn địa chính trị tại nhiều khu vực, cùng mặt bằng chính sách tiền tệ thắt chặt ở nhiều quốc gia khiến lãi suất cao hơn trong thời gian kéo dài cũng tạo ra những khó khăn nhất định.

Trong nước, những vấn đề xoay quanh thanh khoản của thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, cùng sự chậm lại của tăng trưởng tín dụng cũng tiếp tục đặt ra bài toán khó mà Chính phủ phải giải quyết.

Để giải quyết những khó khăn về mặt tăng trưởng, trong thời gian qua, các cơ quan, ban, ngành đã nỗ lực triển khai một loạt biện pháp hỗ trợ.

Về chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã đưa ra một loạt biện pháp hỗ trợ các doanh nghiệp, người tiêu dùng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn bảo đảm ổn định vĩ mô, ổn định tỷ giá và kiểm soát lạm phát từ nửa đầu năm 2023.

NHNN Việt Nam là một trong những ngân hàng trung ương đầu tiên tại khu vực châu Á thực hiện cắt giảm lãi suất điều hành trong nhiều đợt của quý II. Hành động quyết liệt đã góp phần giảm lãi suất tái cấp vốn của NHNN xuống 4,5% (từ 6%), các lãi suất cơ bản khác cũng giảm theo, từ đó định hướng đưa mặt bằng lãi suất xuống mức thấp, tạo điều kiện cho hồi phục kinh tế.

Mặc dù dư địa để giảm thêm lãi suất là tương đối hạn chế, do những rủi ro tiềm ẩn từ lạm phát, biến động của giá năng lượng, đặc biệt là giá dầu, cũng như áp lực của thị trường ngoại hối, nhưng NHNN thông qua chính sách điều hành linh hoạt đã nỗ lực sử dụng nhiều biện pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, đồng thời đáp ứng thanh khoản dồi dào cho thị trường.

NHNN ban hành Nghị định 31 và Thông tư 02 nhằm khuyến khích và hướng dẫn các ngân hàng hỗ trợ cho các doanh nghiệp và khách hàng thông qua việc cơ cấu, giãn, hoãn các khoản vay, lãi vay; giảm lãi suất cho vay; tiết giảm chi phí vận hành và giảm các loại phí…

Về chính sách tài khoá, các cơ quan chức năng cũng đã công bố nhiều biện pháp hỗ trợ tài chính khác nhau, mức độ gần như tương đương với những biện pháp được đưa ra trong thời kỳ đại dịch, trong số đó bao gồm giảm 2% thuế VAT cho một số lĩnh vực, hoãn nộp thuế đối với một số loại thuế khác nhau trong 3-6 tháng và cắt giảm thuế môi trường đối với xăng và dầu diesel.

Ngoài ra, luật được mong đợi từ lâu nhằm nới lỏng hơn nữa các hạn chế về thị thực du lịch đã có hiệu lực vào ngày 15/8, mở đường cho việc đi lại dễ dàng hơn và thu hút lượng khách du lịch ngày càng tăng.

Việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) là điểm sáng kinh tế Việt Nam trong năm qua. Xin ông cho biết các lợi thế giúp Việt Nam trở thành "nam châm" thu hút FDI trong khu vực Đông Nam Á? Trong thời gian tới, Việt Nam cần làm gì để duy trì việc thu hút vốn FDI?

Ông Ngô Đăng Khoa: Tổng vốn FDI đăng ký mới năm nay ít thay đổi so với mức trước đại dịch, nhưng FDI đăng ký trong lĩnh vực sản xuất đã vượt 14,3 tỷ USD tính đến tháng 11, mức cao kỷ lục trong những năm gần đây.

Trong khi đó, nguồn vốn FDI cũng ngày càng đa dạng hóa, với việc các công ty sản xuất của Trung Quốc ngày càng để mắt tới Việt Nam như một điểm đến đầu tư hấp dẫn. Sự gia tăng FDI trong lĩnh vực sản xuất được thúc đẩy bởi một số yếu tố hỗ trợ: Môi trường kinh tế ổn định, lợi thế về chi phí lao động của Việt Nam và năng lực sản xuất ngày càng tăng.

Việc nâng cấp quan hệ gần đây với cả Hoa Kỳ và Nhật Bản lên thành "đối tác chiến lược toàn diện" có thể sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động đầu tư vào Việt Nam.

Nhà đầu tư nước ngoài giờ đây có điều kiện được tiếp cận gần hơn với những cơ hội mới, đặc biệt là trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao hơn như chất bán dẫn, công nghệ thông tin, cũng như những cơ hội trong lĩnh vực bán lẻ và dịch vụ tài chính.

Ngoài ra, sự phát triển của cơ sở hạ tầng và công nghệ nói chung cũng đã tạo nền tảng cho những cơ hội này phát triển.

Về phía Chính phủ, tiếp tục cải cách hành chính, xây dựng khung pháp lý và hướng dẫn cũng như đưa ra nhiều ưu đãi khác nhằm thu hút FDI vào Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao.

Triển vọng vĩ mô và môi trường kinh doanh ổn định cùng với tiềm năng tăng trưởng kinh tế cũng góp phần bồi đắp cho sự hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư nước ngoài.

Để tiếp tục duy trì vị thế là điểm đến FDI hấp dẫn, Việt Nam cần tiếp tục tập trung cải cách hành chính, đơn giản hoá thủ tục đầu tư, phát triển môi trường kinh doanh ổn định và lành mạnh.

Việt Nam cũng cần đẩy mạnh hơn nữa giải ngân đầu tư công, đặc biệt trong những lĩnh vực trọng yếu như cơ sở hạ tầng, dự án hạ tầng quan trọng mang lại tác động tích cho các ngành khác và doanh nghiệp.

Cuối cùng, Việt Nam nên tiếp tục duy trì điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt nhằm đạt mục đích ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ đó kiến tạo một môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài.

Xin ông cho biết về triển vọng kinh tế Việt Nam: Những cơ hội và thách thức trong năm 2024?

Ông Ngô Đăng Khoa: Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam cho thấy đà phục hồi với mức tăng 5,3% so với cùng kỳ trong quý III. Điều này là nhờ những cải thiện thương mại bắt đầu từ tháng 9, tháng 10 và tiếp tục trong quý IV.

Tháng 11 cũng đánh dấu là tháng thứ ba liên tiếp xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Đặc biệt, lĩnh vực mới có tiềm năng như nông sản tiếp tục cải thiện đáng kể vào những tháng cuối năm.

Ngoài sản xuất, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tiếp tục là trụ cột vững chắc cho tăng trưởng. Các số liệu kinh tế được kỳ vọng tiếp tục phục hồi trong quý IV và năm 2024. Doanh số bán lẻ tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ nhờ sự phục hồi liên tục của cả du lịch trong nước và quốc tế, góp phần giúp hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển.

Ngược lại, rủi ro lớn nhất đối với tăng trưởng vẫn là tốc độ hồi phục của thương mại toàn cầu. Mặc dù một số mặt hàng xuất khẩu dần phục hồi, bao gồm sản phẩm điện tử và nông nghiệp, nhưng sự phục hồi này vẫn chưa cho thấy sự lan toả trên diện rộng.

Ngoài ra, rủi ro lạm phát từ năng lượng và thực phẩm vẫn còn tồn tại, một phần do hiện tượng El Nino, cùng với chu kỳ tăng giá điện gần đây. Rõ ràng, áp lực về giá vẫn chưa giảm hẳn. Vì vậy, rất cần sự chung tay đồng bộ trong chính sách nhằm góp phần ổn định yếu tố nguồn cung, giảm biến động về giá, từ đó tiếp tục thúc đẩy kinh tế tăng trưởng bền vững./.

Thùy Dung