Việc Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân sau một loạt vụ phóng thử tên lửa đạn đạo đang khiến bầu không khí căng thẳng trên Bán đảo Triều Tiên càng trở nên ngột ngạt.
Bình Nhưỡng có vẻ như không ngần ngại vượt "giới hạn đỏ" khiến Mỹ và các đồng minh bị đẩy vào thế khó và ngày càng ít sự lựa chọn.
Những “câu thần chú” về “kiềm chế, đối thoại hay tìm giải pháp hai bên cùng thắng…” đều tỏ ra không hề linh nghiệm.
Ngay sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 với công suất ước tính gấp hàng chục lần so với quả bom hạt nhân thử nghiệm năm 2016, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tuyên bố Bình Nhưỡng đã sở hữu bom nhiệt hạch (bom H) gắn trên tên lửa đạn đạo có thể bắn tới lãnh thổ Mỹ.
Theo Bình Nhưỡng, cuộc thử nghiệm thành công này là bước tiến lớn trong việc hoàn thành chương trình vũ khí hạt nhân và cho thấy rõ Bình Nhưỡng đã tiến thêm một bước trong việc thực hiện tham vọng của mình.
Động thái của Triều Tiên đã một lần nữa khiến cả thế giới “sôi sục”: Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) lập tức triệu tập cuộc họp khẩn; các lãnh đạo hàng đầu thế giới, từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Đức… liên tiếp có các cuộc điện đàm thâu đêm.
Các biện pháp trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên được nhiều nước kêu gọi, cùng với cả những cảnh báo đe dọa trừng phạt các nước có trao đổi thương mại với Triều Tiên.
Trên thực địa, Hàn Quốc cũng lên tiếng răn đe bằng cuộc diễn tập bắn đạn thật quy mô lớn tập hợp hàng loạt vũ khí, khí tài tối tân. Giới chức quân sự nước này cũng hối thúc đẩy nhanh kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), vốn đang còn tranh cãi, để nâng cao năng lực đánh chặn tên lửa của Triều Tiên...
Ngày 5/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 vào ngày 3/9, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng cho biết: Việc Triều Tiên thử hạt nhân lần 6 đã vi phạm nghiêm trọng các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. “Lập trường nhất quán của Việt Nam là phản đối mọi hành vi làm phức tạp tình hình, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định của khu vực và thế giới”, bà Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh. Bà Hằng cho biết thêm: Việt Nam kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, thực hiện phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên bằng biện pháp hòa bình; nghiêm túc tuân thủ các nghị quyết liên quan của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. |
Và câu hỏi được nhiều nhà phân tích quốc tế đặt ra lúc này là liệu Mỹ có tấn công Triều Tiên? Nếu nhìn nhận một cách khách quan, Mỹ không hoàn toàn vô can khi thế giới bị đẩy đến bờ vực chiến tranh hạt nhân do những hành động bị coi là “khiêu khích” của Triều Tiên thời gian gần đây.
Từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, Mỹ đã khởi động một chiến dịch quốc tế với mục tiêu tăng cường gây sức ép đối với Triều Tiên liên quan đến vấn đề hạt nhân và tên lửa.
Mỹ đã liên tiếp triển khai máy bay ném bom chiến lược B-1B Lancer đến vùng trời Bán đảo Triều Tiên để tiến hành tập trận tấn công chính xác với Không quân Hàn Quốc và Nhật Bản.
Cách đây vài tháng, tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân của Mỹ USS Carl Vinson cũng đã tới khu vực phía Bắc Bán đảo Triều Tiên.
Ngay cuối tháng 8 vừa qua, Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục tiến hành cuộc tập trận thường niên "Người bảo vệ tự do Ulchi" (UFG) kéo dài 10 ngày khiến Triều Tiên được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến tranh.
Việc Tổng thống Trump cùng giới chức Mỹ liên tục đưa ra các tuyên bố cứng rắn với Triều Tiên, trong đó gần đây nhất là lời đe dọa "trút cơn bão lửa và thịnh nộ" nhằm vào Bình Nhưỡng khiến sự bất ổn càng thêm nghiêm trọng.
Chính quyền của ông Trump từng rất tự tin rằng họ nhất định có thể tìm được tư duy mới và biện pháp mới để giải quyết vấn đề hạt nhân của Triều Tiên. Tuy nhiên, xem xét từ biện pháp và hành động của Mỹ hiện nay, có thể thấy Washington chẳng những không tìm được lối thoát cho những bế tắc trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên, mà còn đưa bán đảo Triều Tiên vào cục diện nguy hiểm căng thẳng hơn, hỗn loạn hơn.
Trong khi đó, tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in mặc dù có quan điểm và cách tiếp cận mềm dẻo hơn so với người tiền nhiệm trong vấn đề Triều Tiên, song vẫn chưa có được đường hướng chiến lược cụ thể và rõ ràng.
Thực tế nhiều năm qua cho thấy, đe dọa và trừng phạt chính quyền Triều Tiên không hề có tác dụng, thậm chí chỉ gây tác dụng ngược.
Các hành động răn đe của Mỹ càng thúc đẩy quyết tâm của Triều Tiên phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa và tiến hành các vụ thử hạt nhân.
Những biện pháp trừng phạt nghiêm khắc trong thời gian qua và sắp tới của LHQ đối với Bình Nhưỡng cũng chắc chắn không thể ngăn được tham vọng tên lửa và vũ khí hạt nhân của quốc gia này.
Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong-un, vũ khí hạt nhân là yếu tố duy nhất giúp đảm bảo sự tồn tại của chế độ, cho dù Triều Tiên có bị cô lập hoàn toàn về ngoại giao.
Bản thân giới chức Mỹ gần đây cũng công khai thừa nhận rằng Triều Tiên đã đạt được sự tiến bộ rất lớn về công nghệ tên lửa và một số vùng lãnh thổ Mỹ, như Alaska hoặc thậm chí là Hawaii, hoàn toàn có thể nằm trong tầm bắn của tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Triều Tiên.
Có thể thấy việc ngăn Bình Nhưỡng sở hữu vũ khí hạt nhân đang là một mục tiêu xa vời trong tình hình hiện nay. Thế nhưng, việc phát động một cuộc chiến ở Bán đảo Triều Tiên hoàn toàn là một “hạ sách” với hệ lụy nghiêm trọng và cũng là điều không phải Mỹ “cứ muốn là làm được”.
Với sức tàn phá khủng khiếp, chiến tranh hạt nhân là điều không ai mong đợi, mọi sai lầm đều để lại hậu quả nặng nề và người ta có thể thấy qua bài học trong quá khứ ở Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Hơn nữa, một cuộc chiến mới ở Đông Bắc Á, nếu xảy ra, hậu quả sẽ tác động tới cả thế giới về cả chính trị lẫn kinh tế.
Theo tính toán của các chuyên gia được trang mạng CNBC đăng tải ngày 4/9, có tới 40% giá trị của nền kinh tế sẽ chịu tác động trực tiếp nếu chiến tranh Triều Tiên bùng nổ. Đặc biệt, mở rộng chiến tranh ra cả Đông Bắc Á (bên cạnh các chiến trường ở Trung Đông và Tây Nam Á) sẽ càng khiến tình hình tài chính của nước Mỹ bị suy yếu.
Hơn thế nữa, một cuộc chiến tranh hạt nhân không dễ dàng được phát động như những tuyên bố mạnh miệng của cả hai phía. Tất cả các động thái của các bên, từ đe dọa và trừng phạt của phương Tây cho tới thử bom hạt nhân hay tên lửa của Triều Tiên đều nhằm mục đích giành lợi thế trong trường hợp hai bên đàm phán.
Trong khi đó, các cường quốc vẫn tiếp tục chia rẽ về lựa chọn kịch bản ứng phó với Triều Tiên.
Trung Quốc và Nga luôn phản đối việc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự chống lại Triều Tiên. Cả Moskva và Bắc Kinh đều đề xuất phương án "cùng ngừng" để giải quyết cuộc khủng hoảng, trong đó Mỹ và Hàn Quốc phải chấm dứt các cuộc tập trận chung để đổi lấy việc Triều Tiên ngừng thử tên lửa, hạt nhân, tuy nhiên Washington kiên quyết bác bỏ.
Những biến động khó lường của tình hình bán đảo Triều Tiên bắt nguồn từ tính chất cực kỳ phức tạp tại khu vực cùng những bất đồng và tranh giành ảnh hưởng của các bên liên quan.
Tuy nhiên, một điểm đáng lưu ý là dù tình hình bán đảo Triều Tiên liên tục trong trạng thái nguy hiểm cao dễ bùng phát chiến tranh, nhưng sau khi hiệp định đình chiến được ký kết vào năm 1953, "lò lửa" này dù nhiều lần ở vào tình thế “bên miệng hố chiến tranh” nhưng chưa thực sự rơi vào trạng thái mất kiểm soát mới, bởi duy trì trạng thái không giao chiến đã trở thành nhận thức chung được thỏa thuận ngầm giữa các bên. Đây là nguyên nhân khiến các bên có liên quan, kể cả Mỹ, cần duy trì sự kiềm chế nhất định.
Va chạm quân sự có thể xảy ra, đe dọa quân sự có thể không giảm đi, nhưng cục diện chiến tranh khi đã tưởng như sắp bùng nổ lại luôn đột nhiên được “tháo ngòi”. Điều này chứng tỏ tình hình bán đảo Triều Tiên có quy luật tự kiểm soát được tuân thủ trong tình hình khủng hoảng không ngừng diễn ra. Đây là điểm khác biệt so với các điểm nóng địa chính trị khác trên thế giới hiện nay.
Theo TTXVN