JCS cũng khẳng định quân đội Hàn Quốc đang duy trì tình trạng phòng thủ toàn diện, đồng thời theo dõi chặt chẽ động thái của quân đội Triều Tiên.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết, Triều Tiên đã thực hiện vụ phóng tên lửa vào khoảng 5.28’ (giờ Nhật Bản, tức 3.28’ theo giờ Việt Nam). Tên lửa đã bay khoảng 800 km, trong vòng 30 phút và rơi xuống Biển Nhật Bản, bên ngoài Vùng đặc quyền kinh tế của nước này.
Theo một nguồn tin Chính phủ Nhật Bản, nước này đang phân tích khả năng tên lửa này là một loại mới. Nguồn tin trên cho biết tên lửa này có thể đạt hơn 1.000 km trong quá trình bay, tên lửa này có thể đã được phóng theo phương thẳng đứng.
Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ (PACOM) cũng xác nhận Triều Tiên đã tiến hành thêm một vụ phóng thử tên lửa. Hiện PACOM vẫn đang đánh giá xem tên lửa này thuộc loại nào, song đường bay của tên lửa cho thấy đây có thể không phải là một tên lửa đạn đạo liên lục địa. PACOM cam kết hợp tác chặt chẽ với đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản nhằm duy trì an ninh.
Theo phóng viên TTXVN tại Seoul, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 14/5 lên án việc Triều Tiên trước đó cùng ngày đã phóng tên lửa đạn đạo, coi đây là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Phát biểu khi chủ trì một cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) Hàn Quốc được triệu tập ngay sau khi diễn ra vụ phóng tên lửa, tân Tổng thống Hàn Quốc lấy làm tiếc vì hành động khiêu khích của Triều Tiên, đồng thời khẳng định sẽ cương quyết đáp trả hành động này.
Trong khi đó, Thư ký báo chí Nhà Xanh Yoon Young-chan cho biết Tổng thống Moon Jae-in nói rằng Hàn Quốc "sẽ vẫn mở khả năng đối thoại với Triều Tiên, song điều này chỉ diễn ra khi Triều Tiên thể hiện một sự thay đổi trong thái độ".
Cùng ngày, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng tuyên bố vụ phóng tên lửa của Triều Tiên là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Nhật Bản và vi phạm các nghị quyết của HĐBA LHQ.
Phát biểu với báo giới, ông Abe coi đây là hành vi "hoàn toàn không thể chấp nhận được", đồng thời cho rằng việc Triều Tiên gia tăng các hành động khiêu khích đã được dự đoán và Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ và Hàn Quốc để làm tất cả những gì có thể nhằm bảo đảm an toàn cho người dân nước này.
Trong một diễn biến liên quan, Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhật Bản đã tổ chức một cuộc họp liên bộ nhằm tìm giải pháp xử lý vụ việc này. Thủ tướng Abe đã chỉ đạo các quan chức nước này phối hợp với cộng đồng quốc tế kêu gọi Triều Tiên kiềm chế.
Trong phản ứng mới nhất về vụ việc, Nhà Trắng nhấn mạnh rằng vụ phóng tên lửa của Triều Tiên không khác gì một lời kêu gọi đối với tất cả các quốc gia thực hiện các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên.
Nhà Trắng cho biết thêm Mỹ duy trì cam kết cứng rắn là sát cánh cùng đồng minh đối mặt với các đe dọa nghiêm trọng từ Triều Tiên.
Ngoài ra, Nhà Trắng còn cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump "không thể tưởng tượng được rằng Nga hài lòng" với vụ thử tên lửa mới nhất của Triều Tiên vào ngày 14/5 khi tên lửa này rơi gần Nga hơn so với Nhật Bản.
Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Mỹ cho biết bộ này đang cân nhắc tất cả những công cụ sẵn có để ngăn không cho Triều Tiên tiếp cận với hệ thống tài chính quốc tế nhằm kiềm chế các chương trình phát triển tên lửa và vũ khí hạt nhân của nước này.
Được biết, đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên trong 2 tuần qua của Triều Tiên, diễn ra trong bối cảnh tân Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vừa nhậm chức. Trước đó, hôm 12/2, Triều Tiên đã bắn thử tên lửa đạn đạo tầm trung Pukguksong, còn gọi là KN-15. Sau đó, ngày 5 và 16/4, Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo, được cho là tầm trung gần bờ biển phía Đông nước này, song cả 2 vụ phóng trên đều thất bại. Bình Nhưỡng đã thực hiện thêm một vụ phóng vào ngày 29/4 và tên lửa đã rơi trong phần lãnh thổ Triều Tiên.