Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ký thông qua Hiến chương ASEAN tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 13 - Ảnh Website Chính phủ |
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 13 tổ chức tại Singapore vào tháng 11/2007, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã cùng lãnh đạo các nước trong Khối ký Hiến chương ASEAN và ra Tuyên bố chung khẳng định quyết tâm hoàn thành việc phê chuẩn trong vòng một năm.
Hiến chương hướng tới đưa ASEAN, được thành lập năm 1967, trở thành tổ chức gắn kết hơn, hoạt động hiệu quả hơn, trước mắt là hỗ trợ mục tiêu hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2015.
Nội dung Hiến chương, gồm 13 chương, 55 điều, là kết quả của quá trình đàm phán kéo dài và phức tạp, đã thể hiện khá cân bằng và dung hòa quan điểm của các nước thành viên, phản ánh mức độ "thống nhất trong sự đa dạng" của ASEAN vào thời điểm hiện nay.
Điểm mới chủ yếu của Hiến chương này là xác lập tư cách pháp nhân cho một tổ chức hợp tác khu vực liên chính phủ vì Hiệp hội ASEAN ra đời trên cơ sở một tuyên bố chính trị, đổi mới về tổ chức bộ máy và phương thức hoạt động của ASEAN.
Điều quan trọng nhất là Hiến chương khẳng định lại tính chất của ASEAN là một tổ chức hợp tác liên chính phủ, có nguyên tắc bình đẳng chủ quyền quốc gia.
Nhìn chung, nội dung Hiến chương phù hợp với các mục tiêu và lợi ích chung của ASEAN cũng như chủ trương và lợi ích cơ bản của Việt Nam. Nội dung Hiến chương phù hợp với các nguyên tắc theo quy định của Luật Ký kết, Gia nhập và Thực hiện điều ước quốc tế, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật của Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, tham gia.
Đến nay, Singapore đã phê chuẩn Hiến chương (tháng 1/2008); Brunei và Lào cho biết sẽ phê chuẩn chậm nhất trong tháng 2/2008. Các nước khác cũng khẳng định sẽ sớm hoàn tất việc phê chuẩn Hiến chương.
Đức Tuân
(Nguồn: Tờ trình 14/TTr-CP)