In bài viết

Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 tới

(Chinhphu.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 5/4, Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách xem xét, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).

05/04/2023 17:01
Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 tới - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải phát biểu - Ảnh: VGP/ĐH

Tại kỳ họp thứ 4 vừa diễn ra, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), có 148 lượt đại biểu Quốc hội (ĐBQH) phát biểu ý kiến ở Tổ và 23 lượt ĐBQH phát biểu ý kiến tại Hội trường. Đa số ý kiến ĐBQH tán thành về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật và cơ bản nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo Luật.

Ngay sau kỳ họp, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã chủ trì, phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan quán triệt, bám sát các mục tiêu chính sách, quan điểm và yêu cầu đối với dự án Luật đã trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, tiếp tục tổ chức hội thảo, tọa đàm để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc hoàn thiện dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 20, tháng 2/2023, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường tiếp tục phối hợp với cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan tổ chức làm việc, hội nghị, hội thảo, nghiên cứu ý kiến của các doanh nghiệp, hiệp hội, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật; gửi văn bản số xin ý kiến Chính phủ một số nội dung của dự thảo Luật.

Báo cáo tóm tắt một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, về khái niệm người tiêu dùng, có 2 loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất đề nghị quy định người tiêu dùng bao gồm cả "tổ chức" trong dự thảo Luật vì trên thực tế, việc mua hoặc sử dụng các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn bao gồm cả tổ chức cho mục đích tiêu dùng, không vì mục đích thương mại…

Loại ý kiến thứ hai cho rằng không cần thiết đưa "tổ chức" vào khái niệm "người tiêu dùng" vì theo báo cáo tổng kết thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Bộ Công Thương, trong suốt quá trình 10 năm tổ chức, thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, số lượng các tổ chức có khiếu nại, khiếu kiện đến các cơ quan nhà nước là rất ít; kinh nghiệm quốc tế cho thấy, pháp luật nhiều nước chỉ tập trung điều chỉnh đối tượng người tiêu dùng là cá nhân. Chính vì vậy, dự thảo Luật nên quy định tập trung vào việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là cá nhân.

Sau khi nghiên cứu ý kiến ĐBQH và trên cơ sở ý kiến kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo bổ sung đối tượng "tổ chức" vào nội dung quy định giải thích từ ngữ về người tiêu dùng và thể hiện một phương án theo loại ý kiến thứ nhất như trong dự thảo Luật (khoản 1 Điều 3).

Trên cơ sở ý kiến ĐBQH và kết luận của UBTVQH, Thường trực Ủy ban  Khoa học, Công nghệ và Môi trường thống nhất với Cơ quan soạn thảo đã chỉnh lý, hoàn thiện một số quy định trong dự thảo Luật nhằm đảm bảo phù hợp và cân bằng quyền lợi, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh trong mối quan hệ với người tiêu dùng, không làm phát sinh gánh nặng bất hợp lý đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài các vấn đề nêu trên, Thường trực Ủy ban K Khoa học, Công nghệ và Môi trường đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát giải trình, tiếp thu các ý kiến của các vị ĐBQH; thể hiện lại văn phong pháp lý, sắp xếp bố cục dự thảo Luật cho khoa học và hợp lý hơn.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu Quốc hội cho rằng quá trình tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật đã được tiến hành một cách công phu, khoa học và cầu thị.

Góp ý vào nội dung về quyền lợi người tiêu dùng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) đề nghị Ban soạn thảo xem xét quy định quyền được trả lại sản phẩm, hàng hoá và được hoàn trả toàn bộ chi phí mua sắm sản phẩm, hàng hoá cần được áp dụng không chỉ đối với hàng hoá có khuyết tật mà còn với sản phẩm, hàng hoá không đúng như quảng cáo giới thiệu, cam kết hoặc công bố của tổ chức, cá nhân kinh doanh để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng trong các giao dịch trên không gian mạng, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh bổ sung Điểm d, Khoản 3, Điều 39 của dự thảo luật để hoàn chỉnh hơn; bổ sung các quy định về nền tảng số cần thực hiện các biện pháp giám sát, phát hiện, cảnh báo cho người tiêu dùng về các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên các nền tảng có dấu hiệu nghi ngờ bán hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ….

Trình Quốc hội xem xét dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5 tới - Ảnh 2.

Toàn cảnh Hội nghị - Ảnh: VGP/ĐH

Liên quan đến quy định các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, một số ý kiến đại biểu nhận thấy, quy định như dự thảo không thống nhất với các quy định tại Điều 100, Điều 317 của Bộ luật Tố tụng dân sự, dẫn đến khó khăn trong quá trình áp dụng và ảnh hưởng đến việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, đề nghị không quy định thủ tục rút gọn trong các vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong dự thảo Luật để đảm bảo tính thống nhất, tránh mâu thuẫn, chồng chéo trong hệ thống pháp luật.

Về người tiêu dùng thuộc nhóm ưu tiên bảo vệ tại Điều 8, đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ (Bắc Kạn) cho rằng quy định như vậy chưa chặt chẽ. Bởi vì đây là quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng và theo quy định của Bộ luật Dân sự, trách nhiệm này chỉ phát sinh khi đầy đủ cả 3 yếu tố: Có hành vi vi phạm xảy ra, phải có thiệt hại thực tế xảy ra, phải có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm với thực tế thiệt hại xảy ra. Do đó, đại biểu đề nghị sửa quy định này chặt chẽ hơn để đảm bảo phù hợp, thống nhất với Bộ luật Dân sự, đặc biệt phù hợp với bản chất quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Về các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 10, một số ý kiến đại biểu cho rằng các quy định như dự thảo chưa bao quát đầy đủ các hành vi có tính chất phổ biến xảy ra trong thời gian gần đây. Do đó đề nghị nghiên cứu bổ sung thêm một số hành vi bị nghiêm cấm trong đó có hành vi cung cấp, chia sẻ, phát tán, mua bán và trao đổi trái phép thông tin của người tiêu dùng.

Phát biểu kết luận về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị các cơ quan liên quan tích cực nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu, hoàn thiện hồ sơ dự thảo luật. Sau đó, cơ quan chủ trì thẩm tra cần có văn bản xin ý kiến Chính phủ về các nội dung tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm cho ý kiến, làm rõ quan điểm khi trình Quốc hội, chuẩn bị đầy đủ các văn bản cần thiết kèm theo. 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phối hợp với Chính phủ, chỉ đạo các cơ quan có liên quan nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các đại biểu, để tiếp tục hoàn thiện dự thảo luật theo đúng quy định của pháp luật, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới.

Nguyễn Hoàng