Hiệu trưởng một trường THPT đã vi phạm Luật Tố cáo (không giải quyết tố cáo), đồng thời trong kết luận của Sở Giáo dục và Đào tạo cũng khẳng định Hiệu trưởng đã vi phạm Luật Tố cáo, nhưng trong cuộc họp Hội đồng kỷ luật của Sở Giáo dục và Đào tạo có 7 thành viên thì 7/7 đồng ý không kỷ luật.
Mặt khác, theo Nghị định số 31/2019/NĐ-CP thì vi phạm Luật Tố cáo quy định kỷ luật mức cảnh cáo. Ngoài ra theo Nghị định số 112/2020/NĐ-CP có quy định mức kỷ luật khiển trách với hành vi vi phạm luật khiếu nại, tố cáo của viên chức quản lý, đồng thời quy định Hội đồng kỷ luật viên chức quản lý gồm 5 thành viên.
Ông Nguyễn Bình Minh (TPHCM) hỏi, việc xử lý kỷ luật viên chức như trên có đúng không?
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Theo quy định của Nghị định số 112/2020/NĐ-CP thì đối với viên chức quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm tiến hành xử lý kỷ luật và quyết định hình thức kỷ luật (Điều 31); Hội đồng kỷ luật được người có thẩm quyền xử lý kỷ luật thành lập để tư vấn về việc áp dụng hình thức kỷ luật đối với viên chức có hành vi vi phạm (Điều 34); trên cơ sở kiến nghị của Hội đồng kỷ luật, cấp có thẩm quyền xử lý kỷ luật ra quyết định kỷ luật hoặc kết luận viên chức không vi phạm (Điểm a Khoản 1 Điều 37).
Thành phần Hội đồng kỷ luật viên chức quản lý có 5 thành viên, được quy định cụ thể tại Khoản 3 Điều 35 Nghị định số 112/2020/NĐ-CP.
Do đó, nếu ông Nguyễn Bình Minh thấy việc xử lý kỷ luật tiến hành không đúng quy định về áp dụng hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục và thẩm quyền xử lý kỷ luật thì đề nghị phản ánh với cơ quan quản lý trường THPT nêu trên để xử lý theo thẩm quyền.
Chinhphu.vn