In bài viết

Trình tự, thủ tục xác định dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 29/2023/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên.

22/12/2023 17:17
Trình tự, thủ tục xác định dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Quyết định này quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục xác định dự án đầu tư sử dụng công nghệ lạc hậu, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng tài nguyên và hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.

Trình tự, thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư

Quyết định nêu rõ trình tự, thủ tục xác định công nghệ của dự án đầu tư. Cụ thể, nhà đầu tư gửi 01 bộ hồ sơ đề nghị xác định công nghệ trực tiếp hoặc qua đường bưu chính hoặc qua cổng dịch vụ công trực tuyến đến cơ quan chủ trì tổ chức việc xác định công nghệ theo phân cấp thẩm quyền quy định tại điểm a và điểm b khoản 11 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP (Cơ quan chủ trì). 

Đối với hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ theo quy định, Cơ quan chủ trì trả ngay lại hồ sơ cho nhà đầu tư và thông báo rõ về các văn bản cần sửa đổi, bổ sung để nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ trong trường hợp nhà đầu tư nộp hồ sơ trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ một cửa của Cơ quan chủ trì. Trường hợp nhà đầu tư gửi hồ sơ qua cổng dịch vụ công trực tuyến hoặc qua đường bưu chính, trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan chủ trì có văn bản đề nghị nhà đầu tư sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hồ sơ. 

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan chủ trì có văn bản gửi cơ quan quản lý nhà nước về môi trường và cơ quan quản lý chuyên ngành theo phân cấp tương ứng với thẩm quyền của Cơ quan chủ trì để lấy ý kiến phối hợp. Trường hợp cần thiết, Cơ quan chủ trì lấy thêm ý kiến tổ chức, chuyên gia độc lập để tham vấn về chuyên môn, xác định công nghệ của dự án đầu tư. 

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, cơ quan được lấy ý kiến phối hợp, tổ chức, chuyên gia độc lập có ý kiến bằng văn bản gửi Cơ quan chủ trì. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ ý kiến của cơ quan phối hợp, hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, tổ chức, chuyên gia độc lập, Cơ quan chủ trì có ý kiến bằng văn bản xác định công nghệ của dự án đầu tư.

Đối với dự án đầu tư có quy mô lớn, công nghệ phức tạp, trong trường hợp cần thiết, trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Cơ quan chủ trì quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ theo quy định, tổ chức khảo sát thực tế tại dự án đầu tư để xác định công nghệ của dự án đầu tư.

Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký Hội đồng; đại diện Cơ quan chủ trì, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; đại diện Sở Khoa học và Công nghệ nơi thực hiện dự án, trong trường hợp Cơ quan chủ trì là Bộ Khoa học và Công nghệ theo phân cấp thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 11 Điều 27 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP; chuyên gia có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cần giám định. Trong đó, số lượng chuyên gia không nhỏ hơn 1/3 số lượng thành viên Hội đồng.

Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ làm việc theo nguyên tắc dân chủ, khách quan, trung thực và chịu trách nhiệm trước pháp luật và cơ quan thành lập Hội đồng về nội dung tư vấn và kiến nghị.

Chứng thư giám định có hiệu lực 12 tháng

Quyết định cũng quy định chứng thư giám định, tổ chức giám định được chỉ định.

Cụ thể, chứng thư giám định được cấp bởi tổ chức giám định được chỉ định giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư theo quy định của pháp luật. Tổ chức giám định đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giám định theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đánh giá sự phù hợp, trong đó có lĩnh vực giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được chỉ định hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.

Tổ chức giám định đã được chỉ định thực hiện giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng nhập khẩu theo quy định tại Quyết định số 18/2019/QĐ-TTg ngày 19/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ quy định việc nhập khẩu máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng được đăng ký với cơ quan có thẩm quyền để được chỉ định bổ sung phạm vi hoạt động giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.

Hiệu lực của chứng thư giám định là 12 tháng kể từ ngày cấp chứng thư.