Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước, lực lượng thanh niên xung phong đã phục vụ trực tiếp trên các chiến trường, các địa bàn khó khăn, gian khổ, vùng có chiến sự ác liệt để làm các nhiệm vụ mở đường, đảm bảo giao thông, phục vụ chiến đấu, tham gia chiến đấu, tháo gỡ bom mìn; cõng thương binh, tử sỹ, vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thu dọn chiến trường, tham gia làm nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, Camphuchia và tham gia bảo vệ biên giới phía Bắc, biên giới Tây Nam.
Ngày 15/6/2022, Luật Thi đua, khen thưởng được Quốc hội khóa XV (kỳ họp thứ 3) thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2024. Luật Thi đua, khen thưởng đã bổ sung thêm hình thức khen thưởng mới: “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” tại Điều 96 để tặng cho thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ trong các cuộc kháng chiến, bảo vệ tổ quốc đến ngày 31/12/1989.
Theo báo cáo của Hội cựu Thanh niên xung phong Việt Nam, đến nay số lượng thanh niên xung phong tham gia các thời kỳ kháng chiến, bảo vệ tổ quốc đã xác nhận được khoảng 670.000 người (bao gồm cả liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người bị nhiễm chất độc hóa học). Đây là hình thức khen thưởng mới được quy định trong Luật Thi đua, khen thưởng, chưa có các văn bản quy định chi tiết.
Vì vậy, việc xây dựng Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” là cần thiết nhằm quy định chi tiết khoản 2 điều 96 của Luật Thi đua, khen thưởng để triển khai thi hành Luật đúng hiệu lực, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của các cựu Thanh niên xung phong.
Theo dự thảo, Thanh niên xung phong hoặc thân nhân của Thanh niên xung phong lập hồ sơ đề nghị theo quy định và nộp về UBND cấp xã nơi Thanh niên xung phong đăng ký hộ khẩu thường trú (đối với trường hợp còn sống) hoặc nơi đăng ký hộ khẩu thường trú của người được ủy quyền kê khai (đối với trường hợp đã hy sinh, từ trần).
UBND xã trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm: phối hợp với Hội (Ban) Liên lạc Cựu Thanh niên xung phong cùng cấp (nếu có) thẩm định hồ sơ đề nghị xét tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; công khai thông tin các trường hợp trình khen thưởng trên hệ thống thông tin đại chúng, đồng thời niêm yết trên bản tin của UBND xã trong vòng 10 ngày kể từ ngày đăng thông tin; tổ chức họp, xét các hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; trình Chủ tịch UBND cấp huyện.
UBND cấp huyện trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan được giao tiếp nhận hồ sơ đề nghị khen thưởng; công khai thông tin các trường hợp trình khen thưởng trên hệ thống thông tin đại chúng, đồng thời niêm yết trên bản tin của UBND huyện trong vòng 10 ngày kể từ ngày đăng thông tin; trình Chủ tịch UBND cấp tỉnh.
UBND cấp tỉnh trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định có trách nhiệm tổ chức họp, xét các hồ sơ đề nghị tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”; trình Thủ tướng Chính phủ (qua Ban Thi đua – Khen thưởng Trung ương).
Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định, có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và lấy ý kiến các cơ quan liên quan (nếu có); trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định tặng, truy tặng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”.
Văn phòng Chính phủ trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Tờ trình và các tệp tin điện tử của hồ sơ khen thưởng của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, có trách nhiệm tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xét, trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trường hợp hồ sơ không đầy đủ, không hợp lệ theo quy định, trong thời hạn 05 ngày làm việc, cơ quan xét duyệt trả lại hồ sơ và thông báo lý do cho cấp trình khen thưởng bằng văn bản. Trường hợp hồ sơ chưa rõ ràng thì có văn bản yêu cầu kiểm tra, xác minh làm rõ.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Minh Đức