Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trồng cây tại lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Từ đầu tháng 10 đến nay, bão, mưa lũ ở các tỉnh miền Trung diễn biến hết sức phức tạp. Lần đầu tiên trong nhiều năm, lũ chồng lũ, bão chồng bão, mưa lớn kéo dài liên tiếp, gây thiệt hại nặng nề về người, tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống của người dân nơi đây.
Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, một trong những nguyên nhân gây ra thiên tai nặng nề, thảm khốc ở miền Trung là do ảnh hưởng lớn của biến đổi khí hậu, thời tiết thay đổi theo hướng ngày càng cực đoan, khó dự báo. Để chung tay chống biến đổi khí hậu, ngoài việc tăng cường, tích cực bảo vệ môi trường sống, sản xuất, kinh doanh… thì hoạt động đẩy mạnh trồng thêm nhiều cây xanh, trồng rừng, phủ xanh đất trống, đồi núi trọc cũng cần thiết không kém.
Xác định tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề xuất sáng kiến trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới, trong đó có cây xanh đô thị.
Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, dù độ che phủ rừng của Việt Nam đã tăng trở lại, khoảng 42%, song so với nhiều nước thì vẫn còn thấp cho nên cần "tiếp tục trồng cây gây rừng". Thủ tướng nhấn mạnh, phải tiếp tục đẩy mạnh trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng cao chất lượng rừng, vận hành hiệu quả hồ chứa, liên hồ chứa, bảo đảm an toàn cho sản xuất và cuộc sống của người dân. Đặc biệt là xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phá rừng.
Mục tiêu hoàn toàn khả thi và hữu ích
Vào ngày 28/11/1959, cách đây 61 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phát động ngày “Tết trồng cây” với mong muốn: “Trong mười năm, đất nước ta phong cảnh sẽ ngày càng tươi đẹp hơn, khí hậu điều hòa hơn, cây gỗ đầy đủ hơn. Điều đó sẽ góp phần quan trọng vào việc cải thiện đời sống của nhân dân”. Lời kêu gọi “Tết trồng cây” của Bác đã được sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân cả nước, trở thành một phong trào quần chúng sâu rộng, một nét đẹp trong văn hóa truyền thống Việt Nam cho đến hôm nay.
Với đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới của Thủ tướng, nhiều chuyên gia cho rằng, việc này là hoàn toàn khả thi, rất hữu ích, thiết thực và ý nghĩa.
Cho ý kiến về đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh, GS.TS. Vũ Tiến Hinh, Viện trưởng Viện Lâm nghiệp và đa dạng sinh học nhiệt đới cho rằng, mục tiêu này hoàn toàn khả thi.
“Với nhiều diện tích đất rừng trống, đất đồi, núi xung yếu có nguy cơ sạt trượt thì Bộ NN&PTNT và các địa phương cần tập trung trồng bổ sung cây bản địa, cây lâu năm vào những khu vực này để phục hồi và nâng cao chất lượng rừng đã mất", ông Hinh đề xuất.
Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Chính phủ, TS. Hoàng Dương Tùng, Chủ tịch Mạng lưới Không khí sạch Việt Nam, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho hay, tại các đô thị, cây xanh mang lại nhiều lợi ích như mang bầu không khí trong lành, hấp thụ CO2, nhả oxy, hạn chế bụi mịn PM2.5. Cây xanh không những mang lại một không gian xanh, giúp cho đô thị tươi đẹp hơn, mà còn giúp giảm nhiệt độ đường phố, hạn chế tác hại các bức xạ mặt trời. Cây cũng hấp thụ các khí độc thải ra từ khói xe, quán ăn, bụi bẩn nhà máy, rác thải và nhiệt từ chính con người tỏa ra, từ đó giúp giảm bớt nhiệt.
Ở khía cạnh khác, cây xanh, cây rừng còn giúp tiết kiệm nước và giảm xói mòn đất, bởi cây xanh có thể làm chậm sự bốc hơi nước, tăng độ ẩm không khí. Lượng nước do rễ cây giữ lại có thể được tái tạo và trở thành các mạch nước ngầm. Rễ cây có tính thấm hút nước tốt, do đó khi đến mùa mưa bão, cây có thể giúp giữ nước và cản trở quá trình chảy ào ạt của dòng nước, thổi ào ạt của gió, từ đó hạn chế tình trạng bão, lũ lụt, xói mòn đất do nước chảy mạnh. Tại các vùng đồng bằng ven biển, vai trò của rừng ngập mặn cũng rất quan trọng, giúp làm hạn chế thủy triều, sóng, bão…
Ngoài ra, cây xanh còn tạo ra cơ hội phát triển kinh tế. Trồng cây ăn quả sẽ giúp chúng ta cải thiện được thu nhập, trồng cây cảnh đẹp có thể giúp tạo cảnh quan đẹp, tạo nên nét đặc trưng cho đất nước, thu hút du lịch, từ đó giúp phát triển kinh tế.
“Việc trồng cây xanh mang lại những hiệu quả rất thiết thực, điển hình mấy năm gần đây, Hà Nội triển khai phong trào chồng 1 triệu cây xanh đã mang lại hiệu quả và sự thay đổi rất rõ nét. Hà Nội xanh, đẹp hơn với nhiều loại cây trồng khác nhau, mang lại cảnh quan đẹp và vừa là ‘lá phổi’ giúp cho Thủ đô trong sạch hơn”, ông Hoàng Dương Tùng cho hay.
Tuy nhiên, theo TS. Hoàng Dương Tùng, để hiện thực hóa được đề xuất trồng 1 tỷ cây trong 5 năm, cần có một kế hoạch rõ ràng, cụ thể. Các cơ quan, bộ ngành liên quan cần phối hợp chặt chẽ, nghiên cứu kỹ các phương án trồng cây, trồng cây gì cho phù hợp với vị trí, phù hợp với cảnh quan và giúp bảo vệ môi trường. Các cơ quan quản lý Nhà nước cần cẩn trọng hơn trong việc xem xét, phê duyệt các dự án, chú trọng đến phát triển kinh tế, nhưng không có nghĩa là dễ dàng chấp nhận, đánh đổi môi trường với phát triển kinh tế. “Bởi nếu không để ý đến môi trường, vô hình trung chúng ta sẽ phạm phải nguyên tắc đánh đổi môi trường để lấy sự phát triển kinh tế, chỉ nghĩ lợi ích trước mắt, chứ không nghĩ đến những lợi ích lâu dài”.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân trong việc bảo vệ cây xanh, cây rừng là việc làm rất quan trọng. Đưa ra giải pháp bảo vệ cây rừng, TS. Hoàng Dương Tùng cho hay, chúng ta đang trong thời kỳ cách mạng công nghiệp lần thứ 4, do đó phương pháp theo dõi hiện trạng, diện tích rừng qua các công cụ giám sát, quản lý hiện đại là giải pháp tiết kiệm nguồn nhân lực và ít tốn kém. “Dựa trên phương pháp này, các cơ quan, đơn vị chức năng cần giám sát chặt chẽ, thường xuyên thông báo diện tích rừng cho các cơ quan địa phương. Như vậy, chúng ta mới có những có giải pháp ngăn chặn kịp thời, không để xảy ra tình trạng tàn phá rừng, khai thác gỗ trái phép”.
Gắn trồng cây với phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường
GS.TS. Vương Văn Quỳnh, nguyên Viện trưởng Viện sinh thái rừng và môi trường, Trường Đại học Lâm nghiệp nhận định, mục tiêu này rất khả thi, mang lại lợi ích cao. Tuy nhiên, trồng 1 tỷ cây xanh là quy mô lớn, do đó việc tổ chức cần chặt chẽ, chương trình thực hiện cần cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Đi vào phân tích cụ thể, GS.TS. Vương Văn Quỳnh cho hay, 1 tỷ cây xanh nếu quy ra diện tích tương đương 300.000-500.000 ha rừng trồng. Đây là diện tích không quá lớn nếu kết hợp cả trồng rừng tập trung cũng như trồng cây phân tán: “Trước đây Việt Nam còn hàng triệu ha đất lâm nghiệp nhưng chưa có rừng. Vài năm gần đây, việc trồng rừng tốt hơn, nhưng theo tôi vẫn còn khoảng từ 600.000-700.000 ha đất chưa có rừng có thể trồng được. Như vậy quỹ đất vẫn còn nhiều để thực hiện mục tiêu 1 tỷ cây xanh”.
Theo ông Vương Văn Quỳnh, cần phải lưu ý khi trồng rừng là chọn cây hiệu quả cả về kinh tế và môi trường, phù hợp với điều kiện từng nơi. Nên khuyến khích trồng cây bản địa phù hợp với điều kiện khí hậu thổ nhưỡng lâu đời, chung sống với nhiều loài cây khác xung quanh. Cần trồng các loại cây đa tác dụng, cây gỗ không chỉ đem lại ý nghĩa về môi trường, sinh thái mà còn đem lại giá trị về kinh tế cho người trồng rừng. Hoàn toàn có thể tạo ra những khu rừng có giá trị cao về môi trường, kể cả rừng trồng, nhưng cách trồng sẽ phải khác hiện nay là kiểu trồng độc canh, trồng cùng lúc và thu hoạch cùng lúc. Cần trồng rừng giống kết cấu rừng tự nhiên như trồng nhiều loại cây, nhiều tầng cây khác nhau như cây ưa sáng, cây ưa bóng, cây bụi... thì sau 20 năm đến 30 năm chúng ta sẽ có những khu rừng không khác gì rừng tự nhiên và cho hiệu quả kinh tế và môi trường.
GS.TS. Vương Văn Quỳnh gợi ý, những loài cây trồng cho phòng hộ, giảm thiểu lũ quét, sạt lở đất nên là cây bản địa đa tác dụng như dẻ, trám, sấu, lát hoa, re gừng, lim xanh, ràng ràng mít, pơ mu, hoàng đàn, vù hương, táo mèo, giổi.
Ở miền núi có thể thêm như sến, mật, táu, trầm hương, vàng tâm, gụ, chò nâu, xoan đào. Dưới thảm thực vật có thể trồng thêm sâm, ba kích, sa nhân, thảo quả. Đây hầu hết là những cây lâu năm có rễ sâu và cứng chắc, chịu được đất khô hạn, tăng cường khả năng giằng giữ đất.
Các cây trồng ven biển cần có rễ ăn sâu, rộng, thân khỏe phân bố cành đều trên thân làm cho khả năng chắn sóng hiệu quả như đước, bần, mấm, trang, sú, vẹt.
Cây trồng đô thị được chọn là những cây sống lâu năm, thường xanh, tán đẹp, hoa đẹp, thơm, rễ sâu, có khả năng chống gió bão, ít sâu bệnh, không có nhựa hoặc hương độc, che bóng và giữ bụi tốt như ngọc lan, bằng lăng, phượng, móng bò...
Trong khi đó, ThS. Phạm Đình Sâm, Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam, cho rằng để thực hiện đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh có hiệu quả thì phải rà soát, đánh giá lại hiện trạng và tình trạng suy thoái rừng theo các tiêu chí về phòng hộ, đa dạng sinh học, giá trị kinh tế và xã hội trên các vùng sinh thái trọng điểm.
Tiếp đến cần đánh giá các rừng phòng hộ ít xung yếu và ít đa dạng hơn có thể kết hợp các hoạt động sản xuất nông lâm nghiệp như trồng cây công nghiệp, rừng trồng có năng suất cao, cây ăn quả hay nông lâm kết hợp cả cây nông nghiệp và chăn nuôi để bảo đảm duy trì hệ sinh thái - nhân văn cân bằng do nhu cầu sản xuất và chăn nuôi gia súc của các hộ dân là yêu cầu tất yếu ở vùng đầu nguồn.
Việc “trồng cây gây rừng” không chỉ là truyền thống và nét đẹp văn hóa của dân tộc, góp phần bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên rừng mà còn giúp cho đất nước có một không gian xanh. Trồng cây cần có kế hoạch, quy hoạch rõ ràng; cần có sự quan tâm chỉ đạo sát sao, gắn cây với phát triển kinh tế; gắn bảo vệ môi trường với xây dựng đời sống nhân dân. Việc mỗi người góp sức chung tay trồng cây xanh, bảo vệ rừng là việc làm thiết thực, góp phần cải thiện không khí, chống biến đổi khí hậu, mang lại một môi trường xanh - sạch - đẹp.
Thùy Chi