In bài viết

Trồng cây cho tương lai

(Chinhphu.vn) - "Tết trồng cây" có ý nghĩa to lớn, khuyến khích người dân cả nước trồng cây, trồng rừng, chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng bền vững, vì một Việt Nam xanh.

05/02/2025 20:16
Trồng cây cho tương lai- Ảnh 1.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xu thế xanh, bền vững đã dần trở thành yêu cầu bắt buộc, hành động thiết thực, lan tỏa toàn cầu - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Tại Lễ phát động "Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ" - Xuân Ất Tỵ 2025 hôm nay (5/2), Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan chia sẻ câu chuyện gợi nhiều suy nghĩ: Có hai cha con cùng về một miền quê, người con mải mê ngắm cảnh vật, một lúc không thấy cha mình đâu, người con mới đi tìm thì gặp cha đang cặm cụi đào đất, trồng cây.

Người cha nhờ con tìm nước tưới cho cây rồi ông đưa con đến nghỉ chân dưới gốc cây to tỏa bóng mát và nói với con: "Con thấy không, trước đây, người nào đấy đã trồng cây và dày công chăm sóc để có bóng mát hôm nay cho cha con mình và mọi người. Thế thì sao mình không trồng cây ngay bây giờ để mọi người sau này được nhận bóng mát?".

"Xã hội trở nên phát triển và tốt đẹp hơn, khi mỗi người trồng cây xanh có bóng râm che phủ, mà họ biết họ sẽ không bao giờ thụ hưởng bóng mát đó", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói, đồng thời nhấn mạnh, "Tết trồng cây" có ý nghĩa to lớn, khuyến khích người dân cả nước trồng cây, trồng rừng, chung tay bảo vệ môi trường sinh thái, phát triển rừng bền vững, vì một Việt Nam xanh.

Trong giai đoạn hiện nay, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, xu thế xanh, bền vững đã dần trở thành yêu cầu bắt buộc, hành động thiết thực, lan tỏa toàn cầu. Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra quy định về chống phá rừng. Cà phê, các sản phẩm lâm nghiệp, hay nông sản nói chung sẽ bị từ chối tiêu thụ, giao thương, nếu sản xuất, thu hoạch từ những cánh rừng bị tàn phá.

"Một cây xanh, một khu rừng không chỉ có giá trị từ ngành khai thác, chế biến gỗ, mà hơn hết, còn được xem là một nguồn lực thiên nhiên, với tính đa dụng, đa chức năng", người đứng đầu Bộ NN&PTNT trải lòng. Ông cũng nói thêm rằng ngoài giá trị từ sản xuất gỗ thô, rừng còn là không gian bảo tồn các động vật hoang dã, là nơi trải nghiệm cảnh quan thiên nhiên, là nơi gìn giữ tính đa dạng sinh học, hấp thụ khí carbon. Hệ sinh thái rừng còn để lại những bài học vô giá cho con người như: biết gắn bó nhau, che chở nhau, cùng chung sống, cùng tồn tại chan hoà.

Những giá trị gần như vô hình đó, theo Bộ trưởng, đã tạo ra không gian sống hài hòa, thân thiện giữa con người với thiên nhiên. Cân bằng hệ sinh thái giúp con người được tận hưởng những món quà thiên nhiên ban tặng. Ngoài ra, còn vô số những những loài thảo mộc tự nhiên, dược liệu có giá trị dinh dưỡng cao.

Khái niệm "rừng vàng" giờ không chỉ đơn thuần là khai thác gỗ, sản vật quý hiếm theo tư duy "đơn giá trị". Thay vào đó, con người phải nhận thức sâu hơn, hành động thiết thực hơn, sống chan hòa hơn. Từ cách nghĩ làm chủ thiên nhiên, khai thác thiên nhiên, mỗi người chúng ta cần hướng đến tâm thế tôn trọng thiên nhiên, nương tựa thiên nhiên, để phát triển bền vững. Tình yêu thiên nhiên dần sẽ trở thành tình yêu quê hương đất nước, tình yêu con người trong mỗi người Việt Nam, bắt nguồn từ những công việc đơn giản như trồng cây, tưới mát, chăm sóc từng cây xanh, dày công bền bỉ gây rừng.

"Vun trồng cây. Vun trồng người. Vun trồng tương lai", Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, đồng thời gửi đi thông điệp rằng, khi mỗi chúng ta gieo một hạt mầm, vun trồng một cái cây, là chúng ta đang ươm mầm hy vọng, vun trồng tương lai.

Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NN&PTNT), dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, trong bối cảnh tình hình thế giới tiếp tục có những biến động phức tạp, chịu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiên tai bất thường, đặc biệt là cơn bão Yagi, cả nước đã trồng được 254.000ha rừng trồng tập trung và 130 triệu cây xanh phân tán, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu cung cấp cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu.

Tỷ lệ che phủ rừng cả nước được duy trì trên 42%, công tác bảo vệ rừng có chuyển biến tích cực; thu dịch vụ môi trường rừng đạt 3.460 tỷ đồng (tăng 10% so với năm 2023); giá trị xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản đạt gần 17,3 tỷ USD, vượt 14% so với kế hoạch năm 2024.

Đỗ Hương