Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân. Ảnh: VGP/Phương Liên |
Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã có cuộc trò chuyện rất thú vị với phóng viên Báo điện tử Chính phủ về những ngày Hà Nội mùa đông cách đây vừa tròn 7 thập kỷ ấy.
Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Ông Nguyễn Văn Trân được Trung ương và Bác Hồ điều về làm Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến Hà Nội. Nhớ lại những ngày Hà Nội đang chuẩn bị kháng chiến, ông Trân kể: “Có lần Bác Hồ gọi tôi ra báo cáo công việc vào một buổi sáng tôi đang gặp đồng chí Tư lệnh Vương Thừa Vũ để trao đổi kế hoạch tác chiến. Tôi vội bỏ dở cuộc trao đổi để sang biệt thự Cây Liễu (nhà của bà Tống Minh Phương, một cơ sở cách mạng của ta, ở gần Nhà máy Cơ khí Hà Nội bây giờ). Đến nơi đã thấy đồng chí Võ Nguyên Giáp, đồng chí Hoàng Văn Thái và đồng chí Trường Chinh ở đó. Các đồng chí nói Bác Hồ cho gọi tôi đến để báo cáo tình hình chuẩn bị của Hà Nội.
Bác Hồ nhìn thấy tôi là hỏi ngay: “Các chú thấy tình hình quân Pháp thế nào? Nếu nổ ra chiến tranh liệu chúng ta có thể giữ được bao lâu?”.
Bác nói tiếp: “Phải cố giữ một thời gian để có thì giờ các tỉnh tổ chức và động viên quần chúng có kế hoạch đi vào cuộc kháng chiến”.
Mọi người chưa ai kịp nói gì. Bác đặt luôn câu hỏi: “Liệu có giữ Hà Nội được một tháng không?”.
Đồng chí Hoàng Văn Thái là Tổng tham mưu đã bàn bạc với Ban chỉ huy Mặt trận Hà Nội và chính đồng chí đã đi kiểm tra, xem xét các khu phố, gặp bộ đội, tự vệ, dân quân và dân chúng. Đồng chí cũng đã nêu vấn đề: Để chiến đấu từng khu phố, từng căn nhà cần phải tổ chức giao thông liên lạc chặt chẽ giữa các lực lượng chiến đấu, phải đục tường liên thông giữa các nhà trong các phố để khi tác chiến có thể di chuyển lực lượng nhanh chóng và kín đáo. Ý kiến này đã được toàn thể cán bộ và nhân dân Hà Nội hoan nghênh và thực hiện.
Sau khi trao đổi ý kiến, Bác đặt ra phải cố giữ Hà Nội một tháng. Đại tướng Võ Nguyên Giáp và đồng chí Nguyễn Văn Trân đều đồng ý để đồng chí Hoàng Văn Thái báo cáo với Bác là: Căn cứ tinh thần hăng hái quyết chiến của quân dân Thủ đô và tình hình thực tế chuẩn bị, xin hứa với Bác là chúng ta có thể giữ Thủ đô được một tháng. Bác đã vui vẻ động viên các đồng chí: “Dựa vào lực lượng nhân dân thì các chú có thể làm tốt”.
Quyết tử quân Hà Nội ôm bom ba càng đón đánh xe tăng Pháp trong những ngày đầu toàn quốc kháng chiến với tinh thần “Quyết tử để tổ quốc quyết sinh", năm 1946. Ảnh tư liệu |
Trong đánh, ngoài vây
Sau cuộc gặp đó, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân đã về họp ngay Ủy ban kháng chiến và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội cùng cán bộ chủ chốt các liên khu để bàn cụ thể kế hoạch tác chiến.
Từ ngày 30/6/1946, Hà Nội đã bầu cử Hội đồng Nhân dân, nội thành được chia làm 17 khu phố - được chia thành ba liên khu I, II, III.
Tại cuộc họp bàn kế hoạch tác chiến, đồng chí Vương Thừa Vũ, Tư lệnh Thủ đô trình bày kế hoạch “trùng độc chiến” nghĩa là “trong đánh, ngoài vây”. Trong nội thành, ba Liên khu phối hợp đánh vào các căn cứ của địch. Ngoại thành chia là năm khu, từ bắc xuống nam, là vòng vây phía ngoài.
Trong nội thành, mỗi phố đều làm công sự bằng mọi vật liệu sẵn có: Ngả cây và cột điện, đắp công sự bằng bàn, ghế, tủ, giường, đào giao thông hào ngang đường…
Trận Ô Cầu Dền là công sự của tự vệ Liên khu II trấn giữ cửa ô không cho địch đánh chiếm, ta giữ nhiều ngày, địch bị thiệt hại, chúng không phá được công sự này.
Còn một số trận khác cũng ác liệt không kém như trận chợ Đồng Xuân, trận nhà dầu xăng Khâm Thiên, trận Giảng Võ, trận nhà Delevo phố Hàng Bột, trận Viện Pasteur… Những trận tranh chấp từng ngôi nhà ở phố Hàng Bông, Hàng Gai, Hàng Thiếc, Hàng Đậu, mỗi bên chiếm giữ nửa phố, có thể trông thấy nhau. Đến buổi tối là các tổ nữ địch vận thường tuyên truyền, đọc thơ, ca hát cho lính địch nghe, gây cho chúng nhớ nhà, nhớ quê hương để phản chiến đòi về nước.
Liên khu I có ba tiểu đoàn, gồm bộ đội giải phóng làm nòng cốt, còn có tự vệ khu phố, công an vũ trang. Ba liên khu là ba chốt thép vây hãm lực lượng địch trong Thành phố. Qua một tháng địch vẫn không ra khỏi năm cửa ô. Đường tiếp tế từ ngoại thành vào nội thành vẫn bảo đảm cung cấp lương thực, thực phẩm cho bộ đội, tuy mỗi lúc có khó khăn hơn.
Ăn Tết giữa cuộc chiến
Tết cổ truyền năm 1947, ta tổ chức cho anh em ăn Tết. Nhân dịp này, để chứng tỏ ta vẫn sẵn sàng chiến đấu, ta mời lãnh sự các nước Mỹ, Anh, Trung Quốc vào dự lễ. Hôm đó ta tổ chức rất đàng hoàng, có cành đào, hoa tết. Tiệc có rượu Tây, có bánh chưng, hoa quả và các món ăn dân tộc. Trong bữa tiệc, lãnh sự Mỹ đứng lên chúc rượu và khen ngợi ta tổ chức rất giỏi, chúc ta kiên trì giành chiến thắng.
Ta có nhận định, các lãnh sự đến là để dò la tình tình hình của ta. Ta cũng có kế hoạch chọn địa điểm thích hợp, đàng hoàng, nhưng đề phòng địch sẽ ném bom. Quả nhiên sau mấy ngày, lãnh sự Trung Quốc lại thử thách ta, đề nghị ta giúp đỡ lương thực cho Hoa kiều còn bị kẹt trong Thành phố. Ta cân nhắc, nếu không giúp chắc địch sẽ cho là ta kiệt quệ rồi, nên đồng ý giúp cho một số lương thực để thấy ta vẫn đủ sức chiến đấu.
Tiếp theo lãnh sự Trung Quốc lại đề nghị ta cho phép Hoa kiều được rút ra ngoài Thành phố. Việc này cũng có nghĩa là ở khu trung tâm nếu Hoa kiều rút đi thì giặc Pháp phản đối. Ta trả lời Trung Quốc rằng: Chúng tôi đồng ý để Hoa kiều rút ra ngoài Thành phố, nhưng còn quân đội Pháp có đồng ý không?
Lãnh sự Trung Quốc nói sẽ liên lạc với Pháp để hai bên đình chiến một ngày cho Hoa kiều rút đi. Lãnh sự Trung Quốc đề nghị có cuộc họp hai bên để quyết định cụ thể. Vì thế, sáng ngày 12/2/1947 đã diễn ra cuộc họp giữa ta và các lãnh sự Mỹ, Anh (đại diện cho Pháp) và Trung Quốc, kê ghế ngay trên vỉa hè họp tại ngã tư Ô Chợ Dừa.
Cuộc họp kéo dài trong một buổi sáng và quyết định hai bên sẽ ngừng bắn ngày 15/2/1947. Trên đường đi của Hoa kiều, bộ đội Việt Nam và Pháp sẽ làm nhiệm vụ bảo vệ an toàn.
Cuộc rút lui đặc biệt
Cuộc chiến đấu được hai tháng. Liên khu I đã tổ chức thành lập được Trung đoàn Thủ đô. Tình hình bắt đầu có nhiều khó khăn, việc tiếp tế ở ngoài vào bị nhiều cản trở do địch đã tiến vào một số đường phố. Cấp trên xem xét tình hình và có chỉ thị cho Ủy ban kháng chiến Thủ đô và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội có thể rút quân ra để bảo toàn lực lượng.
Nhận được lệnh, Ủy ban kháng chiến Thủ đô và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội bố trí kế hoạch cho Trung đoàn Thủ đô rút khỏi Liên khu I đêm 17/2/1947.
Mặc dù chủ trương rút lực lượng ra ngoài đã phổ biến trước nhưng nhiều anh em các đơn vị tìm cách trốn lại để được tiếp tục chiến đấu. Để đánh lạc hướng địch, ngay tối 17/2/1947, cả ba Liên khu đều tổ chức một số đơn vị tiến công địch để phô trương thanh thế.
Cuộc rút lui diễn ra an toàn, đem theo tất cả thương binh và vũ khí. Sáng hôm sau, địch phát hiện cho lực lượng cả bộ binh và cano đuổi theo. Nhưng Trung đoàn Thủ đô đã sang sông an toàn. Bộ đội ta đã chặn địch và chiến đấu oanh liệt, nhiều đồng chí hy sinh.
Ngày 19/2/1947, sau khi rút ra khỏi Liên khu I, quân ta đi theo đê phía Đông Anh ngược lên trên rồi lại sang sông trở về bên hữu ngạn, còn Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội tập kết ở xã Thượng Hội, huyện Đan Phượng. Tại đó đã có cuộc mít tinh đón Trung đoàn Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội đón mừng Trung đoàn.
Tại mít tinh, đồng chí Võ Nguyên Giáp tuyên bố: Chính phủ đã nhận được báo cáo đầy đủ của Trung đoàn, Bác Hồ có thư khen quân dân Hà Nội đã giữ được Thủ đô một tháng là thắng lợi, được hai tháng là đại thắng lợi.
Nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân nhận định, chủ động tạo bất ngờ là những yếu tố giành thắng lợi trong chiến tranh và chiến đấu. Thông thường chiến tranh bảo vệ Tổ quốc thường diễn ra từ biên giới có kế hoạch chủ động chuẩn bị chiến đấu, ngược lại, với ta đã diễn ra tại Thủ đô trung tâm đất nước với tương quan lực lượng quá chênh lệch, thiếu thời gian chuẩn bị. Lịch sử chiến tranh thế giới chứng minh chưa có Thủ đô nào giữ được 2 tháng với tương quan lực lượng quá chênh lệch như vậy.
Nhiệm vụ giữ Thủ đô càng lâu càng tốt mà cấp trên trao cho quân và dân Hà Nội không buộc chúng ta phải cố thủ. Cuộc rút lui bảo toàn lực lượng của Trung đoàn Thủ đô theo lệnh của Bộ tổng chỉ huy là một thành công lớn của quân và dân Hà Nội, một minh chứng về sự phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam ở thời kỳ đầu kháng chiến chống Pháp.