In bài viết

Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam

(Chinhphu.vn) - Sáng 11/5, tại Hà Nội, Báo Lao Động phối hợp với Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước) và Cục Viễn thông Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức hội thảo “Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam”.

11/05/2022 08:01
TRỰC TIẾP: Đẩy mạnh phát triển Mobile Money tại Việt Nam - Ảnh 1.

Hội thảo nhằm bàn về những giải pháp nâng cao số người đăng ký thành công bằng việc đồng bộ thông tin dữ liệu cá nhân và nhận thức của người sử dụng.

Tại Hội thảo, các chuyên gia sẽ thảo luận về các giải pháp truyền thông rộng rãi ở cấp Chính phủ, quốc gia nhằm nâng cao nhận thức của người dân về dịch vụ và lợi ích khi sử dụng dịch vụ. 

Trong phần I của Hội thảo, các khách mời sẽ nhìn lại 6 tháng chính thức triển khai thí điểm Mobile Money tại Việt Nam; cơ hội và thách thức mà Mobile Money đem lại trong quá trình Chuyển đổi số Quốc gia của Việt Nam; đặc biệt là lợi ích cho người nghèo, người vùng sâu, vùng xa.

Phần I có sự tham gia của: Ông Trương Quang Việt - Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Dịch vụ số Viettel; bà Phạm Minh Tú – Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ số MobiFone; ông Nguyễn Văn Tấn - Phó TGĐ TCT Dịch vụ Viễn Thông VNPT VinaPhone.

Phần II của Hội thảo tập trung bàn luận về chủ đề làm thế nào thúc đẩy phát triển Mobile Money tại Việt Nam, với sự tham gia của các khách mời: Ông Lê Anh Dũng – Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh Toán, Ngân hàng Nhà nước; ông Đào Đình Nam – Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư, căn cước công dân; ông Trần Duy Hải – Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông – Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên Cổng TTĐT Chính phủ, Fanpage Thông tin Chính phủ, Lao Động điện tử, Fanpage và Youtube của Báo Lao Động.

Ngày 4/3/2020, Chính phủ ban hành Chỉ thị 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch COVID-19 đã đưa ra nhiều chỉ đạo cụ thể, trong đó việc đẩy nhanh tiến độ triển khai thí điểm Mobile Money là một trong các nhiệm vụ trọng tâm. Nhờ khả năng vận hành chỉ cần tới mạng viễn thông mà không phụ thuộc vào Internet hay tài khoản ngân hàng, Mobile Money không chỉ dễ dàng giúp thay thế tiền mặt trong các giao dịch nhỏ lẻ hằng ngày mà còn là phương tiện phù hợp để Chính phủ giải ngân trực tiếp các khoản trợ cấp, hỗ trợ an sinh xã hội đến từng người dân thuộc nhóm yếu thế, chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Việc sử dụng phổ biến Mobile Money sẽ là cú hích quan trọng đối với tốc độ tăng trưởng của thanh toán điện tử tại Việt Nam và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia.