Theo đó, trong trường hợp Hy Lạp rời khỏi Eurozone, Trung Quốc sẽ đảm bảo duy trì sự ổn định của đồng Nhân dân tệ, tăng cường các biện pháp kiểm duyệt đối với các luồng vốn xuyên biên giới và đẩy mạnh các chính sách nhằm ổn định nền kinh tế Trung Quốc.
Trung Quốc sẽ huy động Ngân hàng Trung ương, Ủy ban Cải cách và Phát triển quốc gia, cơ quan đặc trách về vấn đề tài chính và ngân hàng để nghiên cứu kế hoạch khẩn cấp nêu trên.
Trong khi đó, cuộc khủng hoảng nợ công tại châu Âu hiện đang nhanh chóng biến thành một cuộc khủng hoảng ngân hàng.
Cho đến nay, các vụ ngân hàng phá sản và người dân đổ xô đến ngân hàng rút tiền chưa xảy ra là nhờ Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã đưa ra các khoản vay lãi suất cực thấp trị giá 1.000 tỷ Euro vào hệ thống ngân hàng từ tháng 12/2011. Khủng hoảng ngân hàng hiện đã nổi lên là nguy cơ lớn nhất đối với sự liên kết của Eurozone và Liên minh châu Âu (EU).
Síp, một trong những thành viên nhỏ nhất của EU đã thừa nhận có thể phải tìm kiếm một khoản cứu trợ cho các ngân hàng của họ.
Lợi tức trái phiếu chính phủ giảm sút tại Đức, Anh và Mỹ cho thấy vấn đề nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng của các nước Địa Trung Hải thuộc Eurozone. Lợi tức trái phiếu chính phủ Đức thời hạn 10 năm ngày 4/6 giảm xuống còn 1,2%, cho thấy dòng vốn đang rời khỏi khu vực Địa Trung Hải để chuyển sang trái phiếu của các nền kinh tế mạnh nhất. Tương tự, lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ tụt xuống 1,5%, một mức đáng báo động.
Mới đây, Chính phủ Tây Ban Nha tiết lộ trong quý I/2012, khoản vốn trị giá 97 tỷ Euro đã bị rút khỏi nước này, tương đương với 10% GDP của nước này. Điều nguy hiểm là việc rút vốn dường như không dừng lại trong quý II bởi vì Tây Ban Nha cần tìm kiếm khoản tiền lên tới 19 tỷ Euro để cứu trợ Ngân hàng Bankia cũng như nền kinh tế sa sút.
Một số nhà phân tích ước tính hệ thống ngân hàng Tây Ban Nha đang cần số vốn mới lên đến 120 tỷ Euro.
Kim Chung