In bài viết

Trung Quốc đẩy mạnh phòng chống đại dịch COVID-19

(Chinhphu.vn) – Trước tình hình dịch bệnh COVID-19 tái diễn, các tỉnh thành ở Trung Quốc đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.

17/01/2021 10:53

Dẫn thông tin từ Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, TTXVN cho biết ngày 16/1, Trung Quốc đại lục xác nhận thêm 109 ca nhiễm mới bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 13 ca nhập cảnh và 96 ca lây nhiễm trong cộng đồng (Hà Bắc 72 ca, Hắc Long Giang 12 ca, Cát Lâm 10 ca, Bắc Kinh 2 ca), không có ca tử vong.

Trước đó, ngày 14/1, Trung Quốc đại lục ghi nhận 144 ca mắc mới, mức cao nhất trong một ngày trong hơn 10 tháng qua dẫn đến nhiều lo ngại về dịch bệnh bùng phát trở lại.

Tổng cộng đến thời điểm này, Trung Quốc đại lục ghi nhận 88.227 ca nhiễm, 2 ca nghi nhiễm mới, trong đó có 4.502 ca nhập cảnh từ nước ngoài, 4.635 ca tử vong. Đã có 82.387 ca được xuất viện.

Trước tình hình dịch bệnh tái diễn, các tỉnh thành ở Trung Quốc đang đẩy mạnh công tác phòng chống dịch.

Tại Bắc Kinh, lãnh đạo thành phố này đã đề nghị những người dân ở những khu vực xung quanh đi làm tại thủ đô nên làm việc tại nhà.

Đồng thời, yêu cầu người dân tăng cường ý thức phòng chống dịch, không nên rời Bắc Kinh khi không cần thiết, không tụ tập đông người, không đi du lịch nước ngoài hoặc đến những khu vực ở nội địa có nguy cơ cao.  

Đối với Hà Bắc, lãnh đạo tỉnh cho biết đợt xét nghiệm vòng 2 vẫn tập trung ở Thạch Gia Trang và Hình Đài. Đồng thời yêu cầu phải hoàn thiện hơn nữa kế hoạch đảm bảo và cung cấp các nhu yếu phẩm quan trọng hàng ngày.

Tăng cường các điểm phân phối tạm thời, kết hợp giữa doanh nghiệp cung ứng bảo đảm phân phối và cung cấp trực tiếp từ các cửa hàng cộng đồng... nhằm đảm bảo cung cấp nhu yếu phẩm hàng ngày cho người dân trong thời gian phòng chống dịch. 

Trong khi đó, lãnh đạo thành phố Tuy Hóa thuộc tỉnh Hắc Long Giang cho biết, để đối phó với dịch bệnh, thành phố đã kịp thời áp dụng các biện pháp như kiểm soát giao thông, quản lý khép kín và đã góp phần quan trọng vào việc kiểm soát hiệu quả sự lây lan của dịch bệnh, ngăn chặn các ca lây nhiễm từ bên ngoài.

Đồng thời, xây dựng phương án tổng thể phòng chống dịch nhằm giảm thiểu những tác động đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Thế giới đã ghi nhận gần 95 triệu ca nhiễm

Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến 8h30 ngày 17/1 (giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận gần 95 triệu ca nhiễm, trong đó có 2.029.657 ca tử vong vì bệnh COVID-19. Tổng số ca đã bình phục là 67.759.039 ca.

Mỹ tiếp tục là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất với hơn 24.306.043 triệu ca nhiễm khiến hơn 405.261 người tử vong. Tiếp đến là Ấn Độ với 10.558.710 triệu ca nhiễm và 152.311 ca tử vong, trong khi số ca nhiễm tại Brazil là 8.456.705 triệu người, trong đó 209.350 người tử vong.

Châu Âu vẫn là khu vực có tốc độ lây nhiễm cao nhất, với 27.338.980 ca, trong đó 623.738 ca tử vong. Mặc dù Nga là quốc gia có số người mắc cao nhất với 3.544.623 ca, trong đó 65.085 ca tử vong, nhưng Anh là nước có tốc độ lây nhiễm cao nhất khu vực, với 41.346 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại nước này lên 3.357.361 ca, trong đó 88.590 ca  tử vong. Tiếp đến là Pháp, với 21.406 ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 2.894.347, trong đó có 70.142 ca tử vong.

Tại Bồ Đào Nha, Văn phòng Bộ trưởng Tài chính cho biết Bộ trưởng Joao Leao đã có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19, một ngày sau khi ông tham gia cuộc họp trực tiếp tại Lisbon với các quan chức hàng đầu của EU, trong đó có Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, Phó Chủ tịch EC Frans Timmermans và Ủy viên phụ trách vấn đề cạnh tranh châu Âu Margrethe Vestager. Bộ trưởng Tài chính Leao, 46 tuổi, cho đến nay không có triệu chứng gì đặc biệt và sẽ tiếp tục làm việc tại nhà trong thời gian tự cách ly, dự kiến kéo dài từ 10 đến 14 ngày.

Ngày 16/1, Malaysia ghi nhận 4.029 ca mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, mức tăng theo ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này, nâng tổng số ca bệnh trên cả nước lên 155.095 ca. Theo Bộ Y tế Malaysia, số ca tử vong do COVID-19 cũng đã tăng lên 594 ca, sau khi có thêm 8 người không qua khỏi. 

Cùng ngày, Bộ Y tế Indonesia thông báo nước này có thêm 14.224 ca nhiễm mới, cũng là mức tăng trong cgày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát, đưa tổng số người mắc bệnh lên 896.642 người. Trong 24 giờ qua, Indonesia có thêm 283 ca tử vong, nâng tổng số người không qua khỏi lên 25.767 người. Hiện dịch COVID-19 đã lây lan ra toàn bộ 34 tỉnh, thành của Indonesia.

Tại Thái Lan, Trung tâm quản lý tình hình dịch COVID-19 (CCSA) cho biết nước này ghi nhận 230 ca nhiễm mới trong ngày 16/1, trong đó có 209 ca lây nhiễm cộng đồng và 1 ca tử vong. Hiện tổng số ca bệnh tại Thái Lan đã tăng lên 11.680 người, trong đó 70 ca tử vong. 

Bộ Y tế Philippines cùng ngày thông báo nước này ghi nhận 2.058 ca mắc mới và 8 ca vong do COVID-19, nâng tổng số ca bệnh và tử vong trên cả nước lên lần lượt là 498.691 ca và 9.884 ca. 

Trong khi đó, Chính phủ Azerbaijan ngày 16/1 cho biết sẽ cho phép các quán cà phê và nhà hàng mở cửa trở lại từ ngày 1/2, song các biện pháp hạn chế còn lại vẫn sẽ được áp dụng đến tháng 4. Các trung tâm mua sắm vẫn phải đóng cửa, dịch vụ tàu điện ngầm ở thủ đô Baku cũng vẫn tạm ngừng hoạt động. Azerbaijan áp dụng nhiều biện pháp hạn chế nhằm kiềm chế dịch bệnh COVID-19 từ cuối tháng 3 năm ngoái và được gia hạn nhiều lần. Tính đến ngày 16/1, Azerbaijan đã ghi nhận tổng cộng 226.549 ca nhiễm, trong đó 2.983 ca tử vong./.